Mặc dù thời gian thử nghiệm chiếc nắp đậy mới được đưa vào sử dụng nhằm bịt miệng giếng dầu phun tự do trên Vịnh Mexico đã hết, Tập đoàn dầu mỏ Anh (BP) ngày 18/7 cho biết có thể sẽ duy trì việc khoá các van trên chiếc nắp đậy, miễn là không có dầu rò rỉ trên Vịnh.
Giám đốc điều hành BP, ông Doug Suttles khẳng định không ai muốn tiếp tục chứng kiến cảnh tượng dầu phun trào trên Vịnh Mexico, do đó, BP không hướng tới việc mở lại miệng giếng dầu cho tới khi có một giếng khoan “giải cứu”.
Tuy nhiên, quan chức hàng đầu của Chính phủ Mỹ phụ trách việc khắc phục sự cố tràn dầu, ông Thad Allen cho rằng vẫn có khả năng giếng dầu này sẽ được mở lại và các tàu hút dầu sẽ vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình. Ông nhấn mạnh mọi quyết định phải được đưa ra trên cơ sở khoa học.
Sau khi các kỹ thuật viên đóng chiếc van cuối cùng trên chiếc nắp mới của miệng giếng dầu, các quan chức của BP và Chính phủ Mỹ luôn túc trực để đề phòng khả năng xảy ra tình huống xấu nhất là áp suất cao sẽ gây ra việc nổ các đường ống ngầm của giếng dầu đã bị hư hại hoặc tệ hơn là gây ra một lỗ thủng ở đáy biển. Trong trường hợp đó, việc đối phó với thảm hoạ còn khó khăn hơn nhiều.
BP khẳng định chưa phát hiện dấu hiệu rò rỉ nào và áp suất bên trong giếng tiếp tục tăng, mặc dù không cao như dự báo. Thực tế áp suất trong giếng đang duy trì ở mức hơn 475 kg/cm2, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến là 565 kg/cm2.
Giới chức Mỹ quan ngại việc áp suất thấp hơn dự báo có thể là dấu hiệu cho thấy đường ống của giếng dầu có vấn đề. Do đó, các cơ quan chức năng sẽ vẫn phải tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân của việc áp suất giếng dầu thấp hơn dự báo.
Kể từ khi xảy ra vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon hồi cuối tháng 4, làm 11 công nhân thiệt mạng, dầu đã liên tục phun trào dưới đáy biển Vịnh Mexico và lan đến các bãi biển của toàn bộ 5 bang ven vịnh này.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính từ 2,5-4,5 triệu thùng dầu đã tràn ra biển. BP đã phải tiêu tốn tới 3,5 tỉ USD để khắc phục sự cố, trong khi số tiền bồi thường cho dân chúng bị ảnh hưởng trong thảm hoạ này có thể sẽ còn lớn gấp 10 lần con số trên.
Các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin hiện BP đang thương lượng chuyển nhượng chi nhánh và hoạt động tại một số quốc gia nhằm huy động khoảng 20 tỉ USD phục vụ công tác khắc phục thảm hoạ này.
(Theo Hà Nội Mới)