close

Chi hội Dầu khí Vũng Tàu: Đẩy mạnh tư vấn, phản biện và hợp tác khoa học - công nghệ

Nhiệm kỳ qua, Chi hội Dầu khí Vũng Tàu đã tập hợp được đội ngũ trí thức hàng đầu về khoa học công nghệ của ngành, trở thành tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp đóng góp hiệu quả, thiết thực vào sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Có thể nói, Chi hội Dầu khí Vũng Tàu chính là nơi tập trung những chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về các lĩnh vực dầu khí sẽ đóng vai trò quan trọng khi tư vấn, phản biện cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các đơn vị thành viên để tìm ra các giải pháp hỗ trợ Tập đoàn quản trị được tốt hơn, nâng cao sức chiến đấu và khả năng cạnh tranh của các đơn vị thành viên.

Mỏ Bạch Hổ

Trong nhiệm kỳ 2012-2017, chi hội đã phát huy vai trò của mình trong hoạt động tư vấn, phản biện và hợp tác khoa học – công nghệ với Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro.

Năm 2015-2017, cùng với biến động giá dầu, hàng loạt công ty dầu khí và công ty dịch vụ thế giới phải điều chỉnh co hẹp hoạt động và chi phí, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, nơi chi hội định hướng các hoạt động của mình. Mặc dù vậy, trong công tác tư vấn phản biện, được sự tín nhiệm của Hội Dầu khí Việt Nam, chi hội đã cố gắng tổ chức xem xét kỹ lưỡng, đánh giá, tận tâm tham gia cùng Hội Dầu khí Việt Nam phản biện tốt các báo cáo trữ lượng dầu khí và kế hoạch phát triển mỏ của các mỏ dầu khí như: Phương Đông, Báo Vàng, Thỏ Trắng, Cá Voi Xanh, Phong Lan Dại, Hoa Mai, Nam Du, U Minh, Khánh Mỹ – Đầm Dơi, cụm mỏ khí Lô B&48/95 và Lô 52/97, cụm cấu tạo Thiên Nga – Hải Âu.

Chi hội cũng đã tích cực tư vấn hỗ trợ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro hoàn thiện bộ hồ sơ đăng ký và nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2016 với công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam”. Hiện nay chi hội đang cùng Hội Dầu khí Việt Nam tham vấn đề tài “Công nghệ thu gom, xử lý và vận chuyển khí đồng hành của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro” đề nghị Nhà nước xét tặng giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ.

Trong hoạt động khoa học và công nghệ hợp tác với Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro, Chi hội Dầu khí Vũng Tàu đã tích cực tham gia Hội thảo “Các phát hiện mới trong trầm tích Paleogen – Bài học kinh nghiệm trong thăm dò và phát triển mỏ” do Hội Dầu khí Việt Nam và Vietsovpetro đồng tổ chức vào ngày 26-1-2016. Chi hội đã kết hợp với Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế dầu khí biển và Vietsovpetro tổ chức thành công Hội nghị “Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro – 35 năm hình thành và phát triển” ngày 10-8-2016 và Hội thảo khoa học chuyên đề khoan và sửa giếng “Những dấu ấn khoa học – công nghệ” ngày 20-1-2017. Những đóng góp này của chi hội đã được lãnh đạo Vietsovpetro đánh giá cao.

Ngoài ra, chi hội đã tham gia với Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế dầu khí biển triển khai tổng kết kinh nghiệm 35 năm công tác tìm kiếm thăm dò của Vietsovpetro, tham gia đóng góp xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học hàng năm của Vietsovpetro, tham gia các hội thảo về lắng cặn muối ở các mỏ dầu của Vietsovpetro và “Khai thác dầu trong đá móng Bạch Hổ giai đoạn cuối – những thách thức và giải pháp”.

Ngày 4-3-2017, thỏa thuận hợp tác giữa Vietsovpetro và Hội Dầu khí Việt Nam được ký kết, Chi hội Dầu khí Vũng Tàu đã làm cầu nối và tích cực tham gia gặp gỡ thường xuyên giữa Vietsovpetro và Hội Dầu khí Việt Nam để triển khai thỏa thuận này. Hiện nay, chi hội đang hỗ trợ Vietsovpetro khẩn trương triển khai các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày khai thác tấn dầu đầu tiên trong đá móng vào ngày 6-9-2018, trong đó có việc biên soạn bộ sách về thăm dò địa chất và khai thác dầu trong đá móng và tổ chức Hội nghị khoa học “Dầu trong đá móng – những thách thức và giải pháp”.

Với sự phát triển mạnh mẽ của Tập đoàn cả trong và ngoài nước hiện nay, tin tưởng rằng bước vào nhiệm kỳ mới, chi hội sẽ tiếp tục ổn định tổ chức, quy tụ được tâm sức và trí tuệ của các nhà khoa học – kỹ thuật – công nghệ trong và ngoài ngành, mở rộng quan hệ quốc tế, phát huy sáng tạo các hoạt động của mình để tiếp tục góp sức vì sự phát triển ổn định và bền vững của ngành Dầu khí; làm tốt vai trò tư vấn và phản biện cho Tập đoàn trong các vấn đề về chiến lược phát triển, các dự án đầu tư, quản lý kinh tế, khoa học công nghệ, đào tạo, phổ biến kiến thức và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…

V.T