close

Giải pháp hình thành chuỗi liên kết giá trị trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã có tham luận báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác nghiên cứu, tham gia đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cũng như nêu đề xuất giải pháp hình thành chuỗi liên kết giá trị của Petrovietnam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với vai trò của đơn vị đầu mối triển khai chuỗi giá trị.
Báo cáo của PTSC cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK) trên thế giới. Thông qua minh chứng cụ thể từ dự án năng lượng tái tạo đầu tiên năm 1991, được DONG Energy (nay là Orsted, Đan Mạch) đưa vào vận hành tại Vindeby với quy mô 11 trụ điện gió, tổng công suất 4,95 MW. Trải qua hơn 30 năm, đến tháng 11/2022, thế giới đã có thêm 4,27 GW điện gió ngoài khơi (ĐGNK) được đưa vào chạy thử, nâng tổng công suất ĐGNK trên toàn cầu lên con số 56,77 GW. Công suất mỗi turbine điện gió đã tăng từ 0,4MW (dự án đầu tiên vào năm 1991) lên mức 16 MW (CTG/Goldwin), 15 MW (Vestas), 14MW (Siemens Gamesa) và 14.7 MW (GE). Hiện các nhà sản xuất turbine đang thử nghiệm các turbine điện gió có công suất lên tới 20-22 MW, được kỳ vọng sẽ đưa vào khai thác thương mại vào cuối thập niên này.
Các công ty dầu khí lớn trên thế giới cũng không nằm ngoài xu hướng chuyển dịch năng lượng. Như Orsted đã chuyển hoàn toàn sang các dự án NLTT. Orsted hiện có hơn 11 GW ĐGNK đã lắp đặt và đang phát điện và đang hướng đến mục tiêu 50 GW công suất lắp đặt NLTT vào 2030. Equinor, tập đoàn dầu khí quốc gia của Nauy cũng đã tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng với 12GW ĐGNK và trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Rất gần Việt Nam, đó là Malaysia với tập đoàn dầu khí quốc gian Petronas cũng đã tham gia vào chuyển dịch năng lượng với việc mua cổ phần các dự án NLTTNK của các quốc gia khác, cụ thể là Đài Loan.
Như vậy có thể thấy được rằng, chuyển dịch năng lượng, trong đó NLTTNK đóng vai trò then chốt, là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược trên toàn cầu. Quá trình chuyển đổi này đã và đang diễn ra vô cùng nhanh chóng và mạnh mẽ mà bất cứ Tập đoàn năng lượng/quốc gia nào chậm chân sẽ bị bỏ lại phía sau.

Tổng giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường trình bày tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Tiềm năng và cơ hội
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có tiềm năng khoảng 185 GW ĐGNK, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Còn theo một nghiên cứu của Cơ quan năng lượng Đan Mạch và Bộ Công Thương, Việt Nam có tiềm năng phát triển khoảng 162 GW ĐGNK. Các số liệu có thể thay đổi do sự tiến bộ của công nghệ và khả năng khai thác, tuy nhiên có một điều hiển nhiên, tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam là vô cùng to lớn, có thể khẳng định là dư thừa để phục vụ trong nước và cả xuất khẩu.

Tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) vào tháng 11/2021 tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thể hiện quyết tâm chính trị trước toàn thế giới thông qua tuyên bố Việt Nam sẽ nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập niên qua, nhưng Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt được mục tiêu trên.

Và mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU ở Brussels tháng 12/2022 vừa qua, Việt Nam và các nước đã nhất trí về quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Theo đó, các đối tác quốc tế sẽ huy động khoản tài chính trị giá 15,5 tỷ USD để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam, giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu Net Zero, đẩy nhanh việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU (Ảnh: VGP)

NLTTNK có nhiều ưu điểm so với NLTT trên bờ về quy mô (diện tích lớn), công suất (gió mạnh hơn trên bờ), thời gian phát điện (liên tục so với điện mặt trời), và ít ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái. Các quốc gia trên thế giới đã rất nhanh chóng tận dụng cơ hội khai thác nguồn tài nguyên gió bằng việc triển khai thí điểm các dự án NLTTNK trước khi tiến hành đầu tư hàng loạt với quy mô lớn. Tại Anh, dự án ĐGNK thí điểm Blyth đã đi vào hoạt động với tổng công suất 4 MW từ cuối năm 2000. Tại Đài Loan, Na Uy, hay Mỹ, đến 2020 cũng mới bắt đầu bước vào lĩnh vực này bằng các dự án mang tính thí điểm. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, chuỗi cung ứng của ngành NLTT trên toàn cầu vẫn chưa thực sự hình thành.
Với sự đồng thuận và quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, được sự ủng hộ lớn của các nước trên thế giới và cả nguồn năng lượng gió tiềm năng vô hạn hơn hẳn các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam hiện đang đứng trước một cơ hội lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng này. Việc chúng ta có kịp thời nắm bắt các cơ hội này hay không cũng quyết định vị trí của mình trong cuộc đua chuyển dịch năng lượng đang diễn ra ngày càng quyết liệt.

Nền tảng vững vàng để phát triển

Tại diễn đàn Nguồn tài nguyên Năng lượng Đại dương (ONS) ngày 28/9/2022 (Stavenger, Na Uy), Elon Musk đã nói: “Tại thời điểm này, tôi nghĩ rằng chúng ta thực sự cần nhiều dầu và khí đốt hơn. Dầu khí thực sự cần thiết ngay lúc này vì nếu không có nó thì nền văn minh nhân loại sẽ không thể tồn tại”. Khẳng định của ông trùm công nghệ thế giới một lần nữa khẳng định vai trò không thể thay thế của ngành Dầu khí, đặc biệt tại giai đoạn giao thoa, chuyển dịch giữa hai nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống và năng lượng xanh hiện nay.

Sự tương đồng giữa dầu khí và điện gió ngoài khơi

Thực tế cho thấy, ngành dầu khí ngoài khơi và NLTTNK có tính tương đồng rất cao, đặc biệt ở các khâu khảo sát, đánh giá, phát triển dự án, vận hành khai thác, bảo dưỡng sửa chữa và tháo dỡ...; đều có yêu cầu về các công tác hậu cần, dịch vụ hỗ trợ như bãi chế tạo, căn cứ cảng, trung tâm vận hành, bảo dưỡng, tàu dịch vụ…; đều khai thác tài nguyên xa bờ, có liên quan mật thiết đến an ninh, chủ quyền biển đảo, vùng đặc quyền kinh tế.
Song, khác với dầu khí phải tốn nhiều công sức, chi phí để tìm kiếm, thăm dò, và không thể tái tạo, thì gió là nguồn tài nguyên sẵn có, vô tận, xanh và bền vững. NLTTNK cũng không phải tiến hành công tác khoan thăm dò và khoan khai thác, vốn chiếm rất nhiều chi phí của một dự án dầu khí. Việc chế tạo các cấu kiện NLTTNK được sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, năng suất cao, giá thành cạnh tranh, khác với chế tạo các cấu kiện dầu khí thường được thực hiện theo mô hình đơn chiếc, đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề, trình độ cao.
Hiện nay, PTSC đã làm chủ và thực hiện được toàn bộ các khâu của ngành dịch vụ dầu khí (trừ lĩnh vực khoan do đơn vị PV Drilling thuộc Tập đoàn thực hiện). PTSC có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại với 7 cụm căn cứ cảng trải dài khắp 3 miền, trong đó khu vực bãi chế tạo tại Vũng Tàu với quy mô gần 200ha có đầu đủ phương tiện trang thiết bị cầu cảng phục vụ sản xuất chế tạo các công trình dầu khí quy mô lớn. Sản phẩm dịch vụ của PTSC không chỉ phục vụ cho ngành Dầu khí trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Hiện PTSC đang triển khai dịch vụ, con người, phương tiện, trang thiết bị trên 10 quốc gia/vùng lãnh thổ; thực hiện 5 dự án cơ khí chế tạo cho khách hàng quốc tế tại ngay trên căn cứ cảng Vũng Tàu; và trên 50% doanh thu của PTSC đến từ thị trường nước ngoài.

Giải pháp cho ngành NLTTNK tại Việt nam
Với nền tảng vững chắc của mình, PTSC đã đề xuất một số giải pháp để phát triển ngành NLTTNK tại Việt Nam. Tương tự dầu khí, Chính phủ cần tổ chức tiến hành điều tra cơ bản về tiềm năng gió trên toàn bộ các vùng biển Việt Nam trên cơ sở thu thập các dữ liệu về tốc độ gió, địa chất, địa hình, thủy triều, dòng chảy…, từ đó tiến hành quy hoạch, phân lô NLTTNK tương tự như đã áp dụng với việc phân lô dầu khí để tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Trong khi chờ đợi triển khai các hoạt động trên, chúng ta có thể xem xét áp dụng mô hình của các quốc gia trên thế giới, đó là sự ủng hộ của Chính phủ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước có năng lực như Petrovietnam, Viettel… triển khai ngay một số dự án thí điểm về NLTTNK để đúc kết kinh nghiệm. Song song đó có thể ban hành các quy chế bán điện trực tiếp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiến hành sản xuất và xuất khẩu sang các nước lân cận trong khu vực, tận dụng tối đa, càng sớm càng có lợi bằng nguồn năng lượng sạch vô tận này, tương tự như Đài Loan đang áp dụng.
Việt Nam cũng cần nhanh chóng có các chính sách hỗ trợ để phát triển chuỗi dịch vụ cung ứng (supply chain) trong nước cho ngành NLTTNK, nhằm đón đầu xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc triển khai các dự án NLTTNK đòi hỏi phải sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, năng suất cao, giá thành thấp, nên nếu muốn cạnh tranh, chúng ta phải đẩy sớm và có sự hỗ trợ của nhà nước cũng như tận dụng xu thế của thế giới khi mà họ đang cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, nhằm giảm thiểu rủi ro, tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng khi xảy ra các vấn đề như đại dịch, xung đột vũ trang.
Bên cạnh đó, cũng từ kinh nghiệm của các nước, như Đài Loan yêu cầu nội địa hóa lên tới 60%, vì vậy rất nhiều nhà đầu tư, nhà phát triển NLTTNK đã phải đặt cơ sở sản xuất, chuyển giao công nghệ cho Đài Loan để có thể phát triển dự án; Việt Nam cũng cần có quy định cụ thể về cơ chế, tỷ lệ nội địa hóa để kích cầu cho sự phát triển ngành năng lượng này trong nước.

Lễ ký MOU giữa Sembcorp và PTSC về nghiên cứu triển khai đầu tư dự án NLTTNK

Bên cạnh phục vụ cho ngành Dầu khí, PTSC cũng đã và đang cung cấp các dịch vụ cho các dự án NLTTNK như lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR cho dự án ĐGNK Thăng Long tại Bình Thuận; cung cấp tàu chuyên dụng vận chuyển nhân sự và thiết bị thực hiện công tác vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các dự án điện gió gần bờ tại Trà Vinh, Bến Tre và Cà Mau; thiết kế, mua sắm và chế tạo 2 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án ĐGNK tại Đài Loan và chuẩn bị ký kết hợp đồng chế tạo và cung cấp 33 chân đế ĐGNK cho một khách hàng hàng đầu thế giới tại Đài Loan.
Với việc triển khai các dự án trên, PTSC đã chính thức đặt chân vào chuỗi cung ứng của ngành NLTTNK, bắt buộc phải triển khai dự án theo mô hình sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, phải đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện trang thiết bị tương ứng. Và không chỉ dừng lại ở việc tham gia vào chuỗi cung ứng, PTSC còn có tham vọng thực hiện các dự án đầu tư và phát triển. Tháng 11/2022 vừa qua, PTSC đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác với đối tác Sembcorp Utilities (SCU) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án NLTTNK để xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore.
Để hoạch định cho sự phát triển lâu dài và bền vững, PTSC đã đề xuất Chính phủ đồng ý về chủ trương cho PTSC và đối tác Singapore tiến hành khảo sát để đầu tư trang trại ĐGNK và xuất khẩu điện trực tiếp sang nước này; đồng thời ủng hộ, hỗ trợ PTSC đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị, xây dựng các trung tâm cung ứng cho ngành NLTTNK như trung tâm chế tạo tại Vũng Tàu; trung tâm tích hợp tại Nghi Sơn (Thanh Hóa), các trung tâm về logistics, vận hành, bảo dưỡng tại miền Bắc và miền Nam… với tham vọng đưa Vũng Tàu và Nghi Sơn thành một mắt xích không thể thay thế cho chuỗi cung ứng của ngành NLTTNK toàn cầu.
Với các nguồn lực dồi dào hiện có, sự hỗ trợ giúp đỡ tích cực từ Petrovietnam, cùng khát vọng chinh phục thử thách mới, lãnh đạo PTSC tin tưởng rằng NLTTNK sẽ mở ra một chu kỳ phát triển mới cho ngành Dầu khí cũng như Tổng công ty, theo đúng slogan Trọn giải pháp - Vẹn niềm tin: Một PTSC luôn đi đầu trong tìm kiếm giải pháp mới để giữ trọn niềm tin với khách hàng, đối tác, cổ đông và đặc biệt là công ty mẹ Petrovietnam, góp phần chung tay với Tập đoàn hoàn thành mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo chỉ đạo và cam kết của Chính phủ Việt Nam trước toàn thế giới.

Theo Petrotimes