close

Luật Dầu khí sửa đổi - tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư

Sáng 27/12, tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Tọa đàm trực tuyến chủ đề "Luật Dầu khí sửa đổi - tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư", nhằm giới thiệu những điểm mới, nội dung mang tính đột phá của Luật Dầu khí (sửa đổi).

Các chuyên gia tham dự tọa đàm

Tham dự tọa đàm có ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính; TS Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế, Nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội. Về phía Petrovietnam có ông Lê Anh Chiến - Phó trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp; ông Hoàng Xuân Dương - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP); ông Đoàn Văn Thuần - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI).
Về phía Báo Lao Động có ông Nguyễn Đình Chúc - Phó tổng biên tập; ông Nguyễn Đức Thành - Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng ban Kinh tế; bà Đặng Thanh Tâm - Trợ lý Tổng biên tập, Phó tổng Thư ký tòa soạn.
Phát biểu khai mạc, Phó tổng biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc cho biết, với tỷ lệ tán thành cao, Luật Dầu khí (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 11/2022. Luật Dầu khí (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 thay thế Luật Dầu khí ngày 6/7/1993 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2000/QH10, Luật số 10/2008/QH12 và Luật số 35/2018/QH14.

Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm

Theo đánh giá, Luật Dầu khí năm 2022 đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, phát triển kinh tế bền vững cũng như phát triển năng lượng quốc gia. Việc thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) là khung pháp lý tổng quát cho ngành Dầu khí; giảm bớt sự chồng chéo giữa các luật trong hoạt động dầu khí.

Mặc dù cần có thêm các điều khoản và hướng dẫn chi tiết hơn nhưng việc thông qua Luật Dầu khí sửa đổi là rất quan trọng, giúp tạo hành lang pháp lý thông suốt cho các nhà đầu tư và tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo ông Phan Đức Hiếu, Luật Dầu khí 2022 có 10 điểm đã thay đổi bao gồm cả sửa đổi và bổ sung, tạo ra 3 mục tiêu kỳ vọng như thúc đẩy, nâng cao hiệu quả và hiệu lực khai thác dầu khí.

Nội dung của Luật Dầu khí 2022 đã bổ sung một chương về điều tra cơ bản nhằm đánh giá, tìm kiếm dầu khí, xác định rõ thẩm quyền, kinh phí, hình thức về điều tra cơ bản, thông qua thỏa thuận với Petrovietnam. Từ đó tạo cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư, cạnh tranh với các nước trong khu vực, có chính sách ưu đãi đặc biệt cho hoạt động dầu khí.

Ông Phan Đức Hiếu cũng mong muốn để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, phản ảnh đúng tinh thần của Luật Dầu khí 2022, việc thực thi phải đảm bảo được tính kịp thời, khẩn trương.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Bổ sung, làm rõ thêm một số vấn đề, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, Luật Dầu khí mới so với trước đây có thay đổi về mặt mức độ, phạm vi. Ông đánh giá rất cao những phần mới trải rộng như quá trình hoạt động, khai thác dầu khí, quy định về kế toán kiểm toán, phân cấp phân quyền sao cho đầy đủ, hiệu quả, tiếp cận hạ tầng bên thứ ba...

"Những điểm mới này đặt ra kỳ vọng giúp bao quát đồng bộ, chặt chẽ hơn, hiện thực hóa công tác triển khai, tăng độ linh hoạt, thuận lợi, tương thích với luật quốc tế. Quan trọng nhất là tăng tổng vốn đầu tư, khai thác, tăng nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu về dầu mỏ trong tương lai trong bối cảnh các mỏ hiện nay đang có sự cạn kiệt", chuyên gia Nguyễn Minh Phong nhìn nhận.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng đặt ra một số kiến nghị về các văn bản nghị định, thông tư hướng dẫn tiếp theo cần có sự chặt chẽ, cụ thể hóa hơn để giảm đi những kẽ hở gây thất thoát lãng phí, thiếu thanh tra, kiểm tra, giám sát...

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc xây dựng, góp ý kiến cho luật này đã thay đổi nhiều về nội dung, cách thức, tư duy làm luật mới. "Điều quan trọng nhất là Luật Dầu khí được Quốc hội thông qua phù hợp với thông lệ quốc tế và có những cân nhắc, xem xét phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành Dầu khí, phù hợp với thực tiễn quản lý của chúng ta", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Bên cạnh đó, Luật đã tạo điều kiện giám sát, thăm dò dầu khí tốt hơn, huy động nguồn lực của Petrovietnam trong công tác thăm dò, khai thác dầu khí, các nhà đầu tư quốc tế có thể dễ tiếp cận, tham gia và thu hút đầu tư hơn. Trên cơ sở đó bảo đảm được chủ quyền an ninh quốc gia và mang lại hiệu quả kinh tế. Những quy định bổ sung hoàn thiện về kế toán, kiểm toán cũng là bước tiến lớn so với trước đây, tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư, các nhà quản lý của Petrovietnam yên tâm trong quá trình triển khai thăm dò, khai thác.

Một điều nữa, Luật mới đã thể hiện được việc phân vai, phân nhiệm rõ ràng đối với Petrovietnam nói riêng, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nói chung trong vấn đề quản lý quá trình thăm dò, khai thác dầu khí cũng như trách nhiệm của Petrovietnam, đóng vai trò là người đại diện cho Chính phủ Việt Nam, đảm bảo quá trình đầu tư. Cơ chế, kiểm tra, giám sát, tính chủ động với tư cách là chủ đầu tư hay nhà thầu có sự rõ ràng và cần thiết.

Cũng theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, các chính sách liên quan đến việc tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế kỹ thuật được quan tâm hơn, tuy nhiên cần phải làm rõ hơn nữa việc cung cấp cơ sở hạ tầng của bên thứ ba, từ đó tạo cơ sở để các cơ quan hữu quan hoạt động được hiệu quả hơn trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí nói chung.

Ông Đoàn Văn Thuần - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam

Liên quan đến vấn đề phân cấp trình tự, thủ tục, phê duyệt trong hoạt động dầu khí, VPI trong quá trình tham gia cũng đã có nhiều nghiên cứu hỗ trợ cho Bộ Công Thương và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tìm hiểu về các thông lệ quốc tế. Ông Đoàn Văn Thuần - Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của VPI cho biết, bên cạnh hình thức hợp đồng trên sản phẩm truyền thống, Luật Dầu khí sửa đổi đã bổ sung hình thức khác để tăng sự ưu đãi. Nội dung chính sẽ được quy định chi tiết trong nghị định được ban hành sắp tới.

"Ở Việt Nam trước đây hoạt động quản lý nhà nước được phân cấp nhưng hầu hết quy trình thủ tục đều trình Thủ tướng Chính phủ, ví dụ như vấn đề phê duyệt hoạt động dầu khí, báo cáo trữ lượng tài nguyên dầu khí, kế hoạch phát triển. Tuy nhiên, Luật Dầu khí 2022 đã có sự phân cấp mạnh mẽ. Những thủ tục phê duyệt liên quan đến quản lý nhà nước, ví dụ như báo cáo trữ lượng tài nguyên dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ đã được phân cấp cho Bộ Công Thương, điều này phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế", ông Thuần nói.

Tiếp tục làm rõ hơn vấn đề phân cấp, phân quyền, ông Phan Đức Hiếu thông tin thêm, việc phân cấp giúp nâng cao hiệu quả, quy trình nhanh. Khi phân cấp kèm theo xác định thẩm quyền trách nhiệm thì sự lạm dụng lại giảm đi.

"Trước đây khi trình Thủ tướng Chính phủ thì quy trình có thể lấy ý kiến nhiều bộ ngành sau đó Thủ tướng Chính phủ quyết định. Sau này nếu xảy ra vấn đề gì thì trách nhiệm không rõ ràng. Vì vậy cần xác định rõ một đầu mối chịu trách nhiệm quyết định hay là phê duyệt sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định được trách nhiệm", ô Phan Đức Hiếu chia sẻ.

Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm

Phóng viên đặt câu hỏi tại tọa đàm

Trong khuôn khổ Tọa đàm, các chuyên gia đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của cơ quan báo chí về các vấn đề giám sát, thẩm định khai thác dầu khí, vấn đề chuyển giá, khả năng liên thông giữa khâu khai thác thăm dò đến chế biến sau khai thác trong luật và những tác động, hiệu quả của luật liên quan đến PVEP; những cơ chế, chính sách bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư nếu hoạt động khai thác không đạt kỳ vọng;...


Theo pvn.vn