Ngành lọc – hóa dầu Việt Nam đứng trước nhiều thách thức
Tại hội thảo, đại diện Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng cơ hội phát triển ngành công nghiệp hóa dầu ở Việt Nam là rất lớn. Viện Dầu khí cũng chỉ ra rằng: Ngành hóa dầu cần tập trung phát triển lĩnh vực hóa dầu (đặc biệt hóa dầu từ dầu thô/hóa dầu từ khí thiên nhiên và HVA), ưu tiên tích hợp với các nhà máy hiện hữu để tận dụng thế mạnh về cơ sở hạ tầng sẵn có, nguồn nguyên liệu từ các sản phẩm của NMLD/LHLHD hiện hữu…
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San phát biểu tại hội thảo.
Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) báo cáo tham luận tại hội thảo với nhiều thông tin giá trị. 9 tháng qua, NMLD Dung Quất đạt sản lượng 5,3 triệu tấn; doanh thu 83.807 tỉ đồng; nộp NSNN khoảng 9.265 tỉ đồng.
Phó Tổng giám đốc BSR đã chỉ ra rằng, thách thức đối với NMLD Dung Quất thời gian ngắn, trung và dài hạn là rất lớn. Đầu tiên là nguồn dầu thô ngọt trong nước đang suy giảm dần về sản lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn môi trường đòi hỏi phải nâng cấp chất lượng sản phẩm của NMLD Dung Quất từ EURO 2 lên EURO 5 theo lộ trình của Chính phủ.
Dự án NCMR NMLD Dung Quất đang được triển khai tích cực, tuy nhiên dự án không được Chính phủ bảo lãnh vay vốn dẫn đến khó khăn trong công tác thu xếp vốn. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án chậm phê duyệt do một số nội dung liên quan môi trường biển đang trình các bộ ngành xem xét lại, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án, đặc biệt là công tác đấu thầu gói thầu EPC.
Phó Tổng giám đốc BSR Nguyễn Văn Hội phát biểu tại hội thảo
Nói về các thách thức, Chủ tịch HĐQT Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) Bùi Minh Tiến cho biết, Đạm Cà Mau cũng phải đối mặt với vô vàn thách thức như: Cạnh tranh về giá với phân bón nhập khẩu do các nhà máy nước ngoài có sẵn nguyên liệu khí, được trợ giá khí, thời gian các nhà máy của họ đi vào hoạt động đã lâu nên mức khấu hao thấp. Công tác quản lý thị trường phân bón thiếu đồng bộ và chồng chéo dẫn đến tồn tại tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến nhà sản xuất phân bón có thương hiệu trong nước.
Về chính sách, Chủ tịch HĐQT PVCFC cho biết: Chính sách hỗ trợ giá khí của Chính phủ đảm bảo hiệu quả kinh tế của Nhà máy đạm Cà Mau chỉ kéo dài đến hết năm 2018 (giá khí chiếm 43% giá thành), trong khi phương án giá khí Chính phủ đang xem xét cao hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả nhà máy.
Cơ hội phát triển rộng mở
Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng các đại biểu tham gia hội thảo cũng chỉ ra rằng cơ hội phát triển của ngành lọc – hóa dầu tại Việt Nam cũng rất lớn. Phó Tổng giám đốc BSR Nguyễn Văn Hội cho rằng cơ hội phát triển của riêng BSR là thị trường sản phẩm hóa dầu tiềm năng, cấu hình NMLD Dung Quất mở, có thể đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm hóa dầu.
Sau gần 10 năm vận hành NMLD Dung Quất, đội ngũ nhân sự vận hành, bảo dưỡng của BSR đã trưởng thành, nhiều người có đẳng cấp chuyên gia lọc dầu nên có thể “xuất khẩu chất xám” cho các nhà máy lọc hóa dầu trong và ngoài nước.
Chủ tịch HĐQT PVCFC Bùi Minh Tiến phát biểu tại hội thảo
Chủ tịch HĐQT PVCFC Bùi Minh Tiến cho biết, sau 7 năm hoạt động, Đạm Cà Mau đã cung cấp trên 5 triệu tấn phân đạm cho nền nông nghiệp nước nhà và hàng trăm nghìn tấn phân bón chuyên dụng khác đảm bảo cung ứng nguồn phân bón chất lượng, đều đặn cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đạm Cà Mau cung ứng nguồn phân bón chất lượng với giá thành hợp lý, kịp thời vụ, được bà con tin dùng, không để xảy ra tình trạng sốt phân, sốt giá mỗi khi cao điểm.
Đạm Cà Mau cũng là đơn vị đầu tiên sản xuất thành công loại urê hạt đục tại Việt Nam, là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu thị trường phân bón hiện nay, chiếm hơn 30% thị phần phân bón trong nước.
Để duy trì được những thành quả này, Đạm Cà Mau kiến nghị Chính phủ cần có những quyết sách đúng đắn về nguồn khí và giá khí đầu vào cho Đạm Cà Mau để nhà máy duy trì sản xuất, hỗ trợ người dân được tiếp cận với việc sử dụng sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng để đảm bảo canh tác có lãi và góp phần ổn định thị trường phân bón, giảm nhập khẩu.
Những giải pháp được đưa ra
Ông Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh: Phát triển lọc dầu và hóa dầu là đúng với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ chưa cân đối, cần đẩy mạnh hóa dầu. Theo quan điểm của ông Thoảng, những năm tới, không nên làm bất cứ dự án lọc dầu nào nữa, tập trung vào nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất để dự án này đã hiệu quả càng hiệu quả hơn.
Ông Bỳ Văn Tứ, Hội viên Hội Dầu khí Việt Nam nhìn nhận, hóa dầu đang gặp khó khăn do chúng ta không gắn với các ngành công nghiệp cần nguyên liệu hóa dầu. Theo ông, điều kiện quan trọng nhất là Chính phủ cần tháo gỡ cơ chế giải ngân các dòng tiền sao cho nhanh, đúng luật để doanh nghiệp yên tâm làm việc.
Ông Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu khí Việt Nam.
Ông Hoàng Xuân Hùng, nguyên Phó Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng có 5 vấn đề lớn cần xử lý của lĩnh vực lọc hóa dầu, đó là: Vấn đề tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt dự án LHLHD Nghi Sơn, đối với Dung Quất đó là lộ trình hội nhập của Việt Nam trong các hiệp định khu vực nên tiêu thụ sản phẩm dự báo sẽ khó khăn; Bảo lãnh để vay vốn triển khai các dự án Nhà nước chiếm phần chi phối; Các thách thức về thuế; Nguyên liệu cho lọc – hóa dầu, đặc biệt là khí cho các nhà máy đạm; Chính sách đặc thù cho PVN và ngành Dầu khí của Chính phủ.
Thanh Hiếu