Giàn khai thác tại mỏ Sư Tử Trắng
Chuyện trên mỗi giàn khoan
Paul Lambart (sinh năm 1976, người Anh) – Trưởng giàn PVD VI, đại diện cho chủ giàn PVDrilling đang khoan tại Mỏ Chim Sáo và Dừa. Công việc bận rộn, nhưng bên cạnh bàn làm việc của anh lúc nào cũng có một cây kèn sacxophone. Cơm nước xong xuôi, mỗi tối vào lúc 19g30, Paul lại ra ngoài boong, nơi hút thuốc, có cây ớt để trình diễn. Một chiếc loa kết nối bluetooth với nhạc nền được bật lên. Giữa biển khơi, tiếng kèn của Paul quyện vào tiếng sóng, tiếng gió biển và cả ánh trăng treo góc giàn khoan. Giai điệu của kèn da diết nỗi nhớ quê – vùng Liverpool mà Paul miêu tả rất ấm áp mùa Noel. Nơi đó có người vợ và 3 đứa con đang chờ anh về bên cây thông, đợi món quà từ ông già Tuyết. Tôi thả hồn theo giai điệu sacxophone và nhìn về ngọn lửa nơi phía tàu chứa dầu. Những ngọn đuốc của giàn khoan, giàn khai thác bừng cháy như soi sáng khắp biển Đông. Mấy anh công nhân trẻ tinh nghịch nói với tôi: “Anh có thích chụp ảnh tay nâng ngọn đuốc không”. Tại Mỏ Chim Sáo và Dừa có tất thảy 23 giếng khoan (mỗi mũi khoan trung bình dài 4 km), khi tôi có mặt đầu tháng 11 này đã hoàn thành 22 giếng (có nhiều giàn khoan tham gia), mỗi ngày khai thác 30 nghìn thùng dầu thô. Từ giếng khai thác có đường ống dẫn dầu chảy qua tàu chứa, nằm cách không xa giàn khai thác-nơi có chỗ đốt khí dư (để tránh nổ) thành ngọn đuốc. Paul Lambart yêu Việt Nam đến độ chỉ thích nói tiếng Việt dù cách phát âm hết sức ngô nghê.
Lambart phiêu cùng bản nhạc bên “ngọn đuốc” giàn khoan
Roger (55 tuổi, người New Zealand) là một chuyên gia lâu năm về an toàn trên giàn. Anh ta to như một đô vật Mỹ. Roger vốn là võ sỹ MMA với cái đầu trọc. Anh em trên giàn đặt biệt danh cho viên “sỹ quan” này là The Rock (ngôi sao cơ bắp của Mỹ). Roger thích tập thể hình và thường chạy sau giờ làm ngay trên sân bay giàn khoan. Vị chuyên gia nước ngoài cũng vì yêu Việt Nam mà sang đây làm việc gần 10 năm và có bạn gái ở Vũng Tàu. Không riêng gì Roger hay Lambart, nghe kể có nhiều chuyên gia nước ngoài sau khi làm việc ở các giàn khoan trên biển Đông đã không muốn về nước. Có vị về Mỹ rồi, nhớ Việt Nam quá đã đắp các mô hình địa danh của Việt Nam trong vườn để ngắm. Thậm chí trước khi về nước, vị này còn mua rất nhiều bản đồ TPHCM dán khắp tường nhà.
Phụ trách cả giàn khoan lớn PVD VI là một thanh niên khá trẻ. Thông thường trước đây, phụ trách giàn khoan hiếm có người Việt nào đủ năng lực. Vũ Tuấn Phong (sinh năm 1982)- trợ lý Giám đốc Giàn khoan PVD VI. Phong đã lăn lộn đủ “chiến trường” (cả các doanh nghiệp nước ngoài). Để lên được chức danh như hiện nay, sau tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM, Phong bắt đầu với công việc phụ giúp trên giàn, tiếp đến vận hành máy bơm, rồi trợ lý khoan. Sau 15 năm kể từ ngày tốt nghiệp đại học, Phong mới được lên chức kíp trưởng. Dù ở trong bờ hay ngoài giàn, Phong phải chịu trách nhiệm mọi hoạt động trên giàn khoan. Chỉ cần nhìn vào buồng ngủ của Phong có thể biết ngay chức danh lớn cỡ nào. Đó là căn phòng rộng gấp 2-3 lần thông thường (phòng cho chuyên gia, công nhân khoảng 5m2, chứa giường 2 tầng và phòng vệ sinh dùng chung với phòng khác), phòng vệ sinh riêng. Đôi mắt Phong luôn trũng sâu, căng thẳng. Cũng đúng thôi, hơn 100 con người và hàng đống máy móc các loại, cùng nhu yếu phẩm ở trên giàn. Chỉ cần một khâu nhỏ trục trặc, một công nhân bị xước da cũng bị Hiệp hội nhà thầu khoan quốc tế ghi nhận về an toàn và có thể bị trừ điểm (chưa nói tới tai nạn lớn). Nếu giàn bị trừ điểm, đồng nghĩa với việc giá trị cho thuê khả năng bị giảm. Một trong những nguồn thu lớn của PV Drilling (Tổng Cty CP Khoan và dịch vụ Khoan Dầu khí) thông qua việc cho thuê giàn khoan. Giá trị một giàn khoan đóng mới khoảng 200 triệu USD, hiện cho thuê khoảng 55 nghìn USD/ngày. Trước đây, giá thành đóng Giàn khoan PVD I chỉ 120 triệu USD, nhưng dầu được giá do đó giá thuê lên tới 198 nghìn USD/ngày. Trường hợp như tại Mỏ Chim Sáo và Dừa, Giàn khoan PVD VI được chủ đầu tư khoán trọn gói 20 triệu USD để khoan 2 giếng trong 70 ngày. Nếu làm không chuyên nghiệp, chi phí quá 20 triệu USD, coi như lỗ vốn. Thời buổi khủng hoảng giá dầu, giàn khoan “ế ẩm”, có người thuê cho là may để đủ đảm bảo chi phí bảo dưỡng. Đầu tháng 12 này, Vũ Tuấn Phong lại cùng Giàn khoan PVD VI sang Malaysia khoan thuê. Phong là người Việt, nhưng đẳng cấp và năng lực ngang ngửa với các chuyên gia cùng cấp nước ngoài. Nghe nói, ở độ tuổi như Phong được nắm vị trí hiện tại, trên thế giới không có nhiều.
Vũ Tuấn Phong trong phút đón hoàng hôn trên giàn khoan
Người giám sát Tây
Đi cùng chuyến công tác ra Giàn khoan PVD VI, Tiến sỹ Trương Hoài Nam (sinh năm 1976)- Phó Trưởng phòng Quản lý Hoạt động Khoan (PVN) với vẻ ngoài trông như tuýp cán bộ mẫn cán văn phòng. Thế nhưng, có mặt tại giàn, anh leo ngay lên “chuồng chó” cùng kíp khoan, rồi thoăn thoắt trèo tới đỉnh tháp (giàn khoan) cao hơn 50m. Không những thế, có những pha phản biện của Tiến sỹ Nam từng khiến đối tác vị nể. Nghe kể lại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không phải vừa. Việc khai vống các hạng mục để đội chi phí đầu tư cũng không phải hiếm. Thậm chí, có khi mỏ trữ lượng cao, nhưng nhà đầu tư thăm dò chỉ muốn đánh giá thấp xuống gây thiệt cho nước chủ nhà. Có trường hợp, chủ đầu tư ăn rơ với chủ giàn khoan (nước ngoài) kéo dài thời gian thi công tăng thêm thời gian thuê giàn, nên dù công việc đã hoàn tất vẫn không kéo giàn. Chưa kể có những trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đưa nhà thầu khoan có giá chào cao hơn giá trong nước, phía PVN phải yêu cầu đàm phán giảm giá theo giá thị trường. Muốn kiểm soát được những việc này, các cán bộ tại Phòng Quản lý Hoạt động Khoan và các phòng ban khác tại PVN phải có trình độ chuyên môn và kiểm soát tốt.
Nam kể: “Vụ thiết kế giếng khoan thăm dò của Idemitsu, gần mỏ Đại Hùng (cách Vũng Tàu 320km) do không nghe ý kiến tư vấn và phản biện của Phòng Quản lý Hoạt động Khoan nên đã đội giá hơn 150 triệu USD. Nhà thầu không nghe ý kiến của PVN nên khi xảy ra sự cố, một số hạng mục không được phê duyệt thanh toán và họ phải chịu chi phí”. Rất nhiều giếng khoan trước khi thực hiện đều được đại diện PVN tư vấn, góp ý cũng như cảnh báo thiết kế giếng, chiều sâu đặt ống chống, thiết kế chế độ khoan, phương án thi công. Đáng lẽ, có những giếng khoan thăm dò chỉ khoảng 3 tháng là xong, nhưng kéo dài lên 10 tháng. Có những giếng dự kiến khoan hơn 5.000m, khoan đến gần 4.000m bị kẹt cần khoan không đến được đối tượng vỉa thăm dò, mũi khoan không kéo lên được, phải hủy giếng gây thiệt hại về kinh tế. Có những giếng khoan, ngân sách ban đầu dự kiến 30 triệu nhưng dính sự cố nên đội chi phí lên tới hơn 100 triệu USD. Tiến sỹ Nam là con nhà nòi (bố làm giáo sư đầu ngành về dầu khí ở trường Đại học Mỏ-Đại chất), tính thẳng đúng chất nhà khoa học. Nhiều người nói, anh hiểu địa tầng, phương án thiết kế giếng khoan một số vùng mỏ như lòng bàn tay. Do đó, chuyện Nam phản pháo nhà thầu hoặc đề xuất đuổi chuyên gia nước ngoài do làm sai gây thiệt hại cho chủ đầu tư là thường.
Chưa bao giờ, ngành dầu khí Việt Nam phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kép như lúc này. Giá dầu hạ thê thảm, lại thêm cuộc khủng hoảng lãnh đạo ở PVN. Những khó khăn dường như đang thử thách lòng người dầu khí. Khi bài báo này đang hình thành, Tiến sỹ Ngô Hữu Hải- Tổng GĐ Tổng Cty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), khoe: “Đến 20g15 phút, ngày 17/11, chúng tôi đã hoàn thành kế hoạnh tập đoàn giao vượt 44 ngày trong năm 2017, đạt 4,4 triệu tấn dầu quy đổi (trong tổng số 10, 81 triệu tấn dầu thu được cùng các liên doanh). Tiến sỹ Hải là người cho đem mầm cây xanh từ Việt Nam sang trồng (tại mỏ dầu liên doanh giữa PVEP với các đối tác) giữa sa mạc Sahara (Algeria). Mỏ dầu này mỗi ngày khai thác khoảng 20 nghìn thùng. Mầm cây, tiến sỹ Hải mang sang nhiều năm trước, nay vươn lên cứng cáp giữa vùng đất mới.
Việc thăm dò dầu có tính may rủi. Nhiều khi đã xác định vùng nọ, vùng kia có trữ lượng, nhưng chọc khoan xuống, thực tế lại khác. Có lẽ thế nên ngay cả chủ đầu tư nước ngoài mỗi khi động thổ đều bày biện đủ mâm lễ cúng thổ thần, thổ địa. Thế mới có chuyện, giữa biển, một ông Tây đại diện chủ đầu tư vận đồ cúng, cầm giấy khấn to: “I give you present, you must give me oil” (Con cúng ngài lễ vật, ngài phải cho con dầu đấy nhé). |
Hiện, phần lớn mỏ dầu được các nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền ra thăm dò. Khi nào phát hiện đủ trữ lượng thương mại, tùy vào tính toán chi phí đầu tư, phía Việt Nam sẽ tham gia theo phần trăm được chia. Ví dụ tại Mỏ Chim Sáo và Dừa, Premier Oil cùng các đối tác nước ngoài bỏ tiền thăm dò và đại diện PVN tham gia cổ phần 15% khi phát triển mỏ. Nói như vậy để thấy, có được thùng dầu đóng góp cho Ngân sách Nhà nước không đơn giản. |
Đình Thắng – Báo Tiền Phong