close

PVFCCO SW - Tọa đàm về canh tác thời biến đổi khí hậu

Từ ngày 25 đến 27/11 vừa qua, Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ (PSW) đã đồng hành cùng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức thành công chuỗi chương trình tọa đàm về “Các giải pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL” tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh.

Tham dự buổi tọa đàm gồm có các chuyên gia đến từ Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Viện lúa ĐBSCL, Viện cây ăn quả miền Nam và đại diện PVFCCo SW cùng các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, các đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trung tâm khuyến nông các tỉnh, đại diện PSW và hơn 500 bà con nông dân tại các địa phương.

Buổi tọa đàm nhằm mục đích chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp thiết thực ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, canh tác cho người nông dân, các nông trường, hợp tác xã, khu vực bị ảnh hưởng mặn nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

12_2016_1480577834

Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia nông nghiệp đến từ Cục Trồng trọt, Viện lúa ĐBSCL, Viện cây ăn quả miền Nam đã cung cấp các giải pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu như sử dụng giống, phân bón phù hợp với cây lúa trong điều kiện hạn-mặn do biến đổi khí hậu gây ra tại một số địa phương khu vực ĐBSCL.Giải pháp được đưa ra dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn để ứng dụng trên đồng ruộng của nông dân.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết gây ra thì các tỉnh ĐBSCL sẽ phải đối mặt với những khó khăn thách thức rất lớn cho canh tác lúa vì hạn hán sẽ kéo theo phèn và mặn ảnh hưởng trực tiếp tới sinh trưởng và năng suất lúa. Thực trạng trên cần có các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại và thích ứng với biến đổi khí hậu như ĐBSCL đã và đang sống chung với lũ.

Ngoài việc sử dụng giống chịu mặn, chế độ canh tác thích hợp thì sử dụng phân bón hợp lý cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường khả năng chống chịu mặn cho cây, tiết kiệm chi phí, hạn chế phát thải khí N2O và NH3 góp phần làm cho môi trường trong sạch hơn. Buổi tọa đàm đã dành nhiều thời gian để người nông dân trực tiếp trao đổi với các nhà khoa học về các vấn đề có liên quan tới kỹ thuật canh tác, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cũng như các chủ trương chính sách của nhà nước và những vấn đề liên quan đến sản phẩm phân bón Phú Mỹ; nhằm góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững.

Thực tế cho thấy, mùa khô năm 2016, mặn đã xâm nhập sâu vào nội địa các tỉnh/thành ven biển ở ĐBSCL đến 90 km so với 50-65 km như các năm trước đây, với diện tích đất lúa bị thiệt hại nặng do hạn mặn khoảng 300.000 ha. Nếu tình trạng hạn – mặn tiếp tục diễn ra như năm 2016 thì diện tích các vùng trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, làm giảm năng suất và sản lượng. Nông dân chính là đối tượng chịu nhiều tổn thất nặng nề nhất do thiếu điều kiện tiếp cận thông tin, thiếu khả năng tài chính để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi của thời tiết và khí hậu.

Do vậy, chủ đề và nội dung của buổi tọa đàm đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự với mong muốn chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm và giải pháp nhằm ứng phó và giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL.