close

Singapore sẽ sớm phê duyệt có điều kiện cho các đề án nhập khẩu điện từ nguồn phát thải ít các-bon

Singapore sẽ sớm phê duyệt có điều kiện cho các đề án nhập khẩu điện từ các nguồn phát thải ít các-bon, theo Bộ trưởng thứ hai Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Tan See Leng phát biểu vào Thứ 3, ngày 28/2/23 vừa qua.


Từ các yêu cầu đề xuất phương án vào năm 2021 và 2022 của Cơ quan thị trường năng lượng Singapore (EMA), hơn 20 đề xuất đã được tiếp nhận. Đây là một phần trong kế hoạch nhập khẩu 4 GW điện từ các nguồn phát thải ít các-bon của Singapore đến năm 2035.

Phát biểu tại buổi thảo luận của Ủy ban Cung ứng thuộc Nghị viện, Bộ trưởng Tan cho biết trong hai tuần qua, nhiều công ty đã đệ trình các đề xuất cuối cùng cho việc nhập khẩu điện quy mô lớn từ nước ngoài.

Chia sẻ với Nghị viện, ông cho hay “Những dự án nhận được sự hỗ trợ từ nước xuất khẩu và đáp ứng được các yêu cầu của chúng tôi sẽ nhận được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện của EMA. Chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm phê duyệt dự án đầu tiên”.

Ông Tan cũng lưu ý rằng, EMA đang triển khai thử nghiệm các dự án ở quy mô nhỏ để chuẩn bị cho việc nhập khẩu điện với quy mô lớn. Các thử nghiệm này bao gồm Dự án tích hợp năng lượng của Lào – Thái Lan – Malaysia – Singapore (LTMS) vào tháng sáu năm ngoái, cũng như Thỏa thuận chung giữa YTL PowerSeraya và TNB Genco về xuất khẩu 100 MW điện từ Malaysia sang Singapore.

Là một phần trong quá trình phát triển các nguồn cung cấp năng lượng mới cho Singapore, các nhà chức trách đã công bố một Chiến lược hydro quốc gia để lập kế hoạch sử dụng hydro như là một “Lộ trình khử các bon chính” cho các ngành công nghiệp và điện lực ở địa phương cũng như hỗ trợ Singapore trong việc cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050.

Theo ông Tan, hydro có thể được nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau trên thế giới và nguyên liệu này sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng cho Singapore. Đây cũng có thể là một nguồn nguyên liệu thay thế tiềm năng cho các nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực hàng hải và hàng không. Một phần quan trọng trong chiến lược của quốc gia là thử nghiệm sử dụng các công nghệ hydro tân tiến. Ông cũng cho biết thêm, EMA cùng Cơ quan Hàng hải và Cảng của Singapore (MPA) đã bày tỏ sự quan tâm đối với việc sử dụng ammoniac để phát điện cũng như hỗ trợ các nhu cầu vận chuyển nhiên liệu hàng hải. Việc này đã từng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ rất những người trong ngành cũng như các đối tác quốc tế. Chính phủ cũng đang hy vọng về việc khai thác thêm nguồn năng lượng sạch từ mặt trời bằng cách phát triển hệ thống lưu trữ và phân phối năng lượng mặt trời không liên tục ở những thời điểm khác nhau nhằm duy trì độ tin cậy của lưới điện. Singapore đã triển khai 800 MW điện mặt trời vào năm ngoái so với mức đỉnh 500 MW vào giữa năm 2021.

Theo lời ông Tan, tính đến nửa đầu năm ngoái, Singapore đã trở thành một trong những thành phố có mật độ mặt trời cao nhất trên thế giới và đất nước đang trên đà đạt được mục tiêu lắp đặt tấm pin mặt trời đạt đỉnh ít nhất là 2GW trước năm 2030. Ông Tan cũng nhấn mạnh sự ra mắt của hệ thống lưu trữ năng lượng 285 MW/ giờ trên đảo Jurong vào đầu tháng này. Việc này sẽ đáp ứng được nhu cầu điện năng cho khoảng 24 nghìn hộ dân sống trong căn hộ 4 phòng trong một ngày chỉ với một lần xả điện. Cuối cùng, các nhà chức trách cũng đang nghiên cứu sự phù hợp của các nguồn năng lượng phát thải ít các-bon khác như điện hạt nhân và địa nhiệt.

Củng cố thị trường năng lượng địa phương

 Ông Tan cho biết thị trường năng lượng toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn trong những năm tới đây vì lý do địa chính trị và các tác động của biến đổi khí hậu. Ông cũng cho biết thêm, rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây của Singapore, cụ thể là việc một loạt các nhà bán lẻ đột ngột rút lui vào cuối năm 2021, các nhà chức trách sẽ cập nhật lại các quy tắc tiếp cận để củng cố nền tảng cho thị trường năng lượng quốc gia.

Đầu tiên, Chính phủ sẽ tổ chức đấu thầu cạnh tranh cho các nguồn phát điện mới và xây dựng nguồn phát điện mới theo yêu cầu nếu không có đủ sự quan tâm từ các công ty phát điện tư nhân. Việc này sẽ giúp đảm bảo đủ công suất điện để phục vụ nhu cầu. 

Thứ hai, như một phần của các biện pháp ứng phó trong suốt cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây, các cơ sở nhiên liệu dự phòng do EMA thiết lập sẽ được thể chế hóa để được sử dụng lâu dài. Chính phủ cũng đang tìm cách quản lý việc thu mua khí đốt tập trung để đạt được các hợp đồng mua bán dài hạn. 

Cuối cùng, EMA dự định tăng cường các quy định đối với các nhà bán lẻ điện để bảo vệ người tiêu dùng và để đảm bảo rằng các nhà bán lẻ điện có đủ khả năng chống chọi với sự biến động của thị trường. Sau khi công bố tài liệu tham vấn trên vào đầu tháng này, các nhà chức trách đang chờ đợi các ý kiến phản hồi về những cải tiến đã được đề xuất và kế hoạch công bố những điều chỉnh cuối cùng vào cuối năm nay. 


Trần Thị Huyền Trang 
(Lược dịch từ Channel News Asia)