close

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đảm bảo công khai, minh bạch trong xử lý dự án chưa hiệu quả

Việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) huy động nguồn lực trong Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong việc xử lý Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ – 1 trong 12 dự án chưa hiệu quả của ngành Công Thương là hoàn toàn công khai, minh bạch, đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém.


Công nhân Nhà máy Xơ sợi Polyeste đang thao tác bắt sợi đưa vào cuộn.

Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ nằm trong 12 dự án khó khăn của ngành Công Thương. Để xử lý 12 dự án trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc Ngành công thương (Ban chỉ đạo) do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban. Ngày 17/6/2017, Bộ Chính trị đã họp xem xét và cho ý kiến chỉ về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương và đã có Thông báo số 43-TB/VPTW ngày 19/6/ 2017 của Văn phòng trung ương Đảng.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, ngày 29/9/2017, Ban chỉ đạo đã ban hành Quyết định về “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương” với quan điểm nhất quán là: Kiên quyết xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp; Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp.

Với quan điểm đó, dựa trên kết quả rà soát, đánh giá lại toàn bộ các phương án, giải pháp cũng như đề xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc xử lý Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ, Ban Chỉ đạo đã quyết định phương án xử lý như sau: Ưu tiên chọn phương án hợp tác với các nhà đầu tư khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc phương án Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) chuyển nhượng Công ty. Trong trường hợp cả 2 phương án triển khai không thành công thì sẽ xem xét phương án phá sản Công ty theo quy định của pháp luật.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo, trên cơ sở quan điểm, định hướng xử lý tại “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương”, từ tháng 9/2017, PVN và PVTEX, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ, đã tích cực tìm kiếm đối tác tham gia hợp tác vận hành Nhà máy, trong đó có các đối tác Indorama (Indonesia), Formosa (Đài Loan), Fortrec Chemical (Singapore), Reliance Pte. Ltd. (Ấn Độ), An Phát Holdings (Việt Nam)… Tháng 12/2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và RIL đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ bảo dưỡng, cung cấp nguyên liệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm… của Nhà máy. Trước đó, từ đầu năm 2017, PVTEX cũng đã ký MOU với Fortrec về cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy.

Cũng phải nói thêm rằng, để tìm kiếm đối tác vận hành lại Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ, trong các ngày 18, 19 và 20/12/2017, PVTEX đã đăng thông báo tìm kiếm đối tác hợp tác vận hành Nhà máy rộng rãi trên phương tiện truyền thông đại chúng như báo Đấu thầu, VietnamNews… theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, ngày 18/12/2017, PVTEX cũng đã phát hành Hồ sơ mời hợp tác tới các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có các đối tác trên. Đến ngày 20/1/2018, chỉ có Tổ hợp An Phát Holdings + Fortrec Chemical + Reliance Pte. Ltd. (Tổ hợp APH) đã trình lại Hồ sơ đề xuất phương án hợp tác.

Sau quá trình mời thầu, chào thầu công khai, nhiều đối tác cả trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, đánh giá khả năng hợp tác cũng như đưa ra các điều kiện hợp tác. Trên cơ sở đánh giá năng lực, cả về năng lực tài chính, công nghệ cũng như khả năng bao tiêu sản phẩm, ngày 18/4/2018, PVTEX đã có Công văn báo cáo các cổ đông về quá trình lựa chọn đối tác hợp tác vận hành Nhà máy.

Tại báo cáo này, PVTEX đánh giá An Phát Holdings là đối tác có kinh nghiệm quản lý sản xuất trong lĩnh vực nhựa công nghiệp và có năng lực về tài chính, đơn vị này sẽ đứng đầu tổ hợp và cung cấp tài chính để vận hành lại Nhà máy. Reliance Industry Ltd. là tập đoàn của Ấn Độ và đứng đầu thế giới về lĩnh vực lọc hóa dầu và xơ sợi. Trong khi đó, Fortrec Chemicals & Petroleum Pte. Ltd. (Singapore) chuyên cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm xơ sợi.

Với các điểm mạnh của từng thành viên trong liên danh, PVTEX đánh giá chung Tổ hợp APH là đối tác có năng lực để đảm bảo hợp tác thành công.

Sau khi nhận được ý kiến phản hồi từ phía các cổ đông, ngày 20/4/2018, PVTEX và An Phát Holdings đã chính thức ký Biên bản ghi nhớ để các bên có cơ sở tiếp tục thương thảo, đàm phán các vấn đề cần làm rõ về các vấn đề liên quan đến hợp tác sản xuất và kinh doanh Nhà máy. Trên cơ sở đó, PVTEX cũng đã đàm phán với APH về Hợp đồng hợp tác vận hành Nhà máy, thỏa thuận quá trình hợp tác được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ hợp tác gia công sợi DTY và giai đoạn 2 sẽ là hợp tác sản xuất kinh doanh toàn bộ Nhà máy.

Sau quá trình thương thảo, đàm phán phương án xử lý cũng như điều kiện hợp tác của các bên, trên cơ sở tình trạng thực tế của Nhà máy, quan điểm thống nhất được đưa ra là Tổ hợp APH sẽ bỏ toàn bộ các chi phí liên quan đến sửa chữa và bảo dưỡng tổng thể Nhà máy, tuyển dụng và đào tạo lao động, huy động chuyên gia kỹ thuật nước ngoài hỗ trợ trong giai đoạn đầu vận hành Nhà máy ứng vốn lưu động và cung cấp nguyên liệu đầu vào với chi phí ước tính lên tới vài trăm tỷ đồng. Để triển khai thực hiện các hỗ trợ tài chính nêu trên, trong phương án hợp tác, Tổ hợp APH có đưa một số điều kiện tiên quyết về pháp lý, thuế, khấu hao, cổ phần hóa, tiêu thụ các sản phẩm hóa dầu, trong đó có việc mua tối thiểu 35% lượng PP của BSR với các điều kiện mua bán tương tự như BSR đang áp dụng với các công ty khác.

Để thực hiện giai đoạn 1, ngày 24/7/2018, PVTEX đã ký Hợp đồng gia công sợi DTY trực tiếp với An Phát Holdings và đơn vị được An Phát Holdings ủy quyền thực hiện là CTCP xơ sợi tổng hợp An Sơn (AST). Trong hợp đồng nêu rõ để có thể triển khai thì An Phát Holdings và/hoặc thành viên khác của An Phát Holdings, trong vòng 30 ngày kể từ ngày Hợp Đồng có hiệu lực, ký kết được thỏa thuận bao tiêu sản phẩm hạt nhựa PP của BSR với số lượng tối thiểu bằng 35% tổng sản lượng trong thời hạn 5-10 năm, giá bao tiêu tương đương các khách hàng hiện tại của BSR và trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến lợi ích của BSR”. Điều này là phù hợp với phương án hợp tác được Tổ hợp APH đề xuất.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, Hợp đồng gia công sợi DTY được ký giữa PVTEX và An Phát Holdings là 1 phần không tách rời của Hợp đồng hợp tác vận hành toàn bộ Nhà máy cùng với các điều kiện kiên quyết còn lại đang được PVTex và An Phát Holdings gấp rút đàm phán để ký kết trong quý IV/2018 theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

Về vai trò của AST trong Hợp đồng gia công sợi DTY: AST chỉ là đơn vị được Tổ hợp APH ủy quyền thực hiện Hợp đồng gia công sợi DTY theo ủy quyền. Tuy nhiên Tổ hợp APH vẫn cam kết An Phát Holdings chịu trách nhiệm đối với các cam kết của AST theo hợp đồng và trong trường hợp AST phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, An Phát Holdings sẽ tiếp tục thực hiện nhận lại và trực tiếp thực hiện hợp đồng; nhận lại và trực tiếp thực hiện hợp đồng trong trường hợp chấm dứt ủy quyền; chịu trách nhiệm cho toàn bộ các công việc nằm ngoài phạm vi được ủy quyền.

Như vậy có thể nói, việc lựa chọn đối tác hợp tác là công khai và rộng rãi, đề xuất tiêu thụ sản phẩm PP sẽ là đòn bẩy tài chính để cân đối dòng tiền và thu hồi số tiền mà APH đã bỏ ra trong giai đoạn đầu hợp tác.

Cũng xin nói rõ, toàn bộ quá trình lựa chọn Tổ hợp APH là đối tác hợp tác vận hành Nhà máy Xơ sợi Polyseste Đình Vũ đều được PVN/PVTEX báo cáo Ban Chỉ đạo và các Bộ ngành có liên quan. Nội dung hợp tác giữa PVTEX và Tổ hợp APH cũng được PVN/PVTEX nhiều lần báo cáo tại các cuộc họp của Ban Chỉ đạo và trong các báo cáo về việc xử lý các dự án chưa hiệu quả của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Về thông tin cho rằng để thực hiện việc hợp tác giữa PVTEX và Tổ hợp APH, BSR sẽ thực hiện cắt giảm 35% khối lượng sản phẩm nhựa PP theo hợp đồng đã ký với khách hàng để cung cấp cho An Phát Holdings là không đúng thực tế. Ở đây, PVN với vai trò là cổ đông tại các doanh nghiệp chỉ đưa ra định hướng Người đại diện vốn của Tập đoàn tại doanh nghiệp dựa trên lợi ích tổng thể và không phương hại đến lợi ích của bên thứ 3. Và tính đến nay, BSR vẫn đang đảm bảo cung cấp đầy đủ số lượng sản phẩm nhựa PP cho các đối tác trực tiếp đúng theo hợp đồng đã ký.

Nói vậy để thấy rằng, việc lựa chọn Tổ hợp APH là đối tác vận hành lại Nhà máy Xơ sợi Polyestes Đình Vũ đã được tiến hành một cách công khai, rộng rãi, đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo trong xử lý dự án chưa hiệu quả.

Thanh Ngọc