Tại các quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, nhu cầu cũng rất mạnh. Chính sự bùng nổ nhu cầu về khí đã tạo ra những thách thức lớn, nhất là về vấn đề giá cả.
Tại những nơi trên thế giới mà nhu cầu khí gas thấp, bất kỳ công ty nào phát hiện ra nguồn khí thường buộc phải bán qua những hợp đồng dài hạn, thường là với giá rất rẻ.
Nhưng ở những nơi phát hiện ra trữ lượng khí lớn, nhu cầu thường tăng mạnh sau đó. Những nhà máy điện sử dụng nguyên liệu khí đua nhau mọc lên. Các nhà máy công nghiệp cũng đua nhau được xây dựng.
Và bởi nhu cầu tăng, việc định giá trở nên phức tạp hơn. Việc ngày càng nhiều nhà cung cấp cạnh tranh bán hàng, kiểm soát giá cũng trở nên khó khăn hơn. Nhiều khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn. Giá tăng cũng kéo theo hoạt động thăm dò khí gia tăng. Ai cũng hy vọng tăng sản lượng.
Và thị trường khí gas Châu Á đang có dấu hiệu bão hoà. Việc định giá trở nên phức tạp hơn bởi nhu cầu tăng và nhiều nhà sử dụng vì những mục đích khác nhau có thể lựa chọn nguồn cung cho mình, cũng có thể cạnh tranh để giành nguồn cung về mình.
Mới đây, Uỷ ban Tư vấn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương đã yêu cầu các Bộ trưởng Năng lượng Châu Á thành lập thị trường khí gas kỳ hạn Châu Á. Các bộ trưởng APEC sẽ bàn về vấn đề này trong lần họp sắp tới tại Nhật Bản.
Việc thành lập thị trường khí gas kỳ hạn là cần thiết trong bối cảnh thị trường khí phức tạp như hiện nay, bởi nó cho phép người sử dụng khí ở Châu Á đảm bảo được nguồn cung trrước vài tháng, cho phép họ lên kế hoạch cũng như hợp tác với nhau.
Mới đây, Chính phủ Ấn Độ đã đột ngột tăng giá bán khí đốt trên thị trường nội địa, từ mức 2 USD/mcf lên khoảng 4,20 USD/mcf. Ấn Độ đang cần những nguồn cung khí mới. Việc tăng giá được cho là cần thiết để khích lệ hoạt động thăm dò khí đốt.
Những nước như Áchentina cũng đang đương đầu với những vấn đề tương tự. Việc kiểm soát giá đã làm thui chột hoạt động thăm dò trên thị trường nội địa, khiến nước này từ vị trí nước xuất khẩu ròng khí đốt trở thành nước nhập ròng.
Trong quá trình phát triển từ nguồn năng lượng truyền thống sang nguồn năng lượng mới, khí đốt sẽ chiếm vị trí quan trọng trong cấu trúc năng lượng thế giới và toàn cầu sẽ chào đón một thời kỳ phát triển lớn.
Theo những dự đoán lạc quan của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, đến năm 2020, nguồn năng lượng phi hóa thạch sẽ chiếm khoảng 15% tiêu dùng năng lượng một lần của toàn cầu; Đến năm 2030, năng lượng phi hóa thạch sẽ chiếm tới 40% trong tiêu dùng năng lượng một lần của toàn cầu.
Mặc dù giữa các quốc gia phát triển và những nước đang phát triển đang có một sự khác biệt tương đối lớn về chiến lược phát triển, mức độ và lượng tiêu dùng năng lượng của mình. Và việc nâng cao mức độ phát triển của ngành công nghiệp sản xuất khí đốt đặc biệt quan trọng trong thời điểm này.
Phó giám đốc điều hành của Tổng công ty Exxon Mobil – Mark W. Albers nhấn mạnh, so với số khí đốt chính quy, trữ lượng tài nguyên khí đốt phi chính quy bao gồm cả khí đá phiến trong đó cao hơn, hơn nữa tiềm năng khí đốt phi chính quy là vô hạn.
Ủy viên ban điều hành của Tập đoàn dầu khí Shell Hà Lan cho rằng, trong một thời gian tương đối dài sắp tới, tỷ lệ khí đốt trong cấu trúc năng lượng thế giới sẽ không ngừng gia tăng. Các nhà máy phát điện sử dụng khí đốt để phát điện sẽ có tính năng ưu việt hơn so với các nhà máy điện truyền thống, có thể cắt giảm được 50% thậm chí tới 70% lượng khí thải carbon.
Trung Quốc – nước có nền kinh tế phát triển duy nhất trong cơn bão tài chính, bố cục chiến lược năng lượng trong tương lai của quốc gia này càng khiến thế giới quan tâm. Các số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2000 đến nay, lượng tiêu dùng khí đốt của Trung Quốc vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao khoảng 16%. Dự đoán đến năm 2020, lượng tiêu dùng khí đốt của Trung Quốc sẽ đạt 300 tỷ m3.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm đó là, với kho dự trữ 70 nghìn tỷ m3 khí đốt mà toàn cầu đang sở hữu trong tương lai, lĩnh vực năng lượng cần phải dựa vào sáng tạo công nghệ để thực hiện, việc cải tạo công nghệ và phát hiện công nghệ mới sẽ trở thành tiền đề quan trọng để giành chiến thắng.
(Theo Vinanet)