close

“Miếng bánh dầu mỏ Libya”: Chưa im tiếng súng đã lo tranh phần

Ngay khi tiếng súng nội chiến của Libya còn chưa chấm dứt, nhiều quốc gia – Pháp, Anh và Mỹ – đã không ngần ngại hy vọng nhận được những hợp đồng khai thác dầu béo bở vì “công lao” đã giúp lực lượng nổi dậy tại đây lật đổ được chế độ Gaddafi.

Với việc “bản đồ dầu mỏ” tại Libya nhiều khả năng sẽ bị vẽ lại, các nước nằm ngoài nhóm trên, nhưng đã ký nhiều hợp đồng khai thác quan trọng dưới thời Gaddafi, đang có lý do để phải lo lắng…

Libya là một quốc gia có trữ lượng dầu mỏ dù chỉ đứng thứ 7 thế giới, nhưng lại có những đặc điểm riêng khiến “chiếc bánh vàng đen” tại đây luôn khiến các nước khác phải thèm muốn. Đầu tiên là nhờ đặc điểm địa lý thuận lợi, chi phí khai thác dầu tại đây thường rất rẻ.

Thứ hai là về mặt chất lượng, dầu mỏ của Libya được xếp vào loại tốt nhất thế giới. Chính vì vậy mà ngay cả khi tiếng súng nội chiến tại quốc gia châu Phi này chưa dứt, Anh, Pháp và Mỹ đã không che giấu hy vọng sẽ được chia phần cho những hợp đồng béo bở vì đã giúp chính quyền mới lật đổ Gaddafi.


Khai thác dầu mỏ tại Libya đình trệ gần như hoàn toàn kể từ khi nội chiến xảy ra

Phe nổi dậy chưa cần tới lúc kết thúc hoàn toàn cuộc chiến đã bày tỏ sự ưu ái đối với các công ty của Anh, Italia và Pháp – những quốc gia đã tích cực giúp đỡ họ trong chiến dịch quân sự từ vài tháng qua. Ba cường quốc tại châu Âu cũng đang là những tay đua có được vị trí thuận lợi nhất vào thời điểm bắt đầu này.

Chính Italia từng là quốc gia đứng đầu trong danh sách tiêu thụ dầu mỏ và khí đốt của Libya. Trong khi Anh và Pháp là hai nước có vai trò lớn nhất trong kế hoạch lật đổ chế độ Gaddafi. Tất nhiên, không thể không kể tới phần dành cho Mỹ, khi Tổng thống Barack Obama trong các bài phát biểu công khai cũng không e ngại che giấu việc sẽ giành được một phần đáng kể trên thị trường khai thác dầu của Libya.

Thực tế trên khiến cho nhiều quốc gia khác đã có các hợp đồng ký kết trước đó với chế độ Gaddafi phải thực sự lo ngại. Đầu tiên phải kể tới Nga, Trung Quốc và Đức – những nước đã bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an khi thông qua nghị quyết đóng cửa không phận Libya.

Ngay khi có thông tin về việc Tripoli đã rơi vào tay lực lượng nổi dậy, Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã có ý kiến đề xuất việc gửi quân đội tới Libya cho những sứ mệnh “gìn giữ hòa bình” thời hậu chiến – thực chất là một cách tranh giành ảnh hưởng trong việc phân chia nguồn tài nguyên dầu mỏ của Libya sau này.

Còn Nga cũng có lý do để phải lo ngại, khi “bài học Iraq” đối với họ chưa phải là quá cũ. Còn nhớ sau khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003, bản đồ dầu mỏ Iraq đã bị vẽ lại, khiến tập đoàn dầu mỏ “Lukoil” của Nga – từng được Saddam ưu ái dành cho khu mỏ West Qurna-2 rất lớn – đã bị bật bãi.

“Chính quyền chuyển tiếp đã khẳng định rằng, các hợp đồng đã được ký kết – trong đó có cả những công ty của Nga – vẫn sẽ được thừa nhận là hợp pháp và các điều kiện trong hợp đồng cũng được tuân thủ” – đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về Libya trấn an các công ty dầu mỏ của Nga.

Tuy nhiên, những can kết chung chung như vậy chẳng có nhiều giá trị trên thực tế. Ngay như theo tuyên bố của Mahmoud Shaman, quan chức chịu trách nhiệm về công tác tuyên truyền, vận động trong Hội đồng quốc gia chuyển tiếp Libya, tất cả những hợp đồng khai thác dầu mỏ trong quá khứ sẽ được kiểm tra xem có dấu hiệu tham nhũng trong khi ký kết hay không. Như vậy, một khi có “dấu hiệu tham nhũng”, chính quyền mới tại Libya vẫn tự cho phép mình có quyền xóa bỏ hợp đồng.

Xét một cách toàn diện hơn, những mâu thuẫn trong quá trình phân chia lại lợi ích dầu mỏ tại Libya rất có thể làm nảy sinh những cuộc chiến tranh kinh tế ở những quy mô khác nhau, không chỉ giữa những công ty mà còn có thể giữa các quốc gia.

Theo Petrotimes (Hồng Sơn)