close

Bản lĩnh của một doanh nghiệp trẻ

Năm 2016 là năm nhiều khó khăn đối với ngành nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng. Tuy nhiên, bằng cách phát huy sức mạnh tập thể trên nền tảng công nghệ tiên tiến, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC – thương hiệu Đạm Cà Mau) đã và đang ngày càng đạt được nhiều kết quả đáng tự hào để vững bước vào một giai đoạn phát triển mới. Nhân dịp đầu xuân 2017, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có buổi gặp gỡ và trò chuyện cùng Tổng giám đốc (TGĐ) PVCFC Bùi Minh Tiến.

PV: Thưa ông, tình hình thị trường phân bón thế giới và trong nước trong năm 2016 vừa qua đã có những ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của PVCFC?

TGĐ Bùi Minh Tiến: Năm 2016 là thời điểm giá urê thế giới và trong nước đang ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây và dự kiến sẽ còn duy trì ở mức thấp. Giá FOB urê hạt đục Trung Đông thực tế 11 tháng năm 2016 là 206USD/tấn, giảm hơn 28,1% so với cùng kỳ năm 2015. Giá bán urê Đạm Cà Mau bình quân 11 tháng cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khoảng 18,4%.

Trong bối cảnh giá urê thế giới thấp như vậy, giá bán của Đạm Cà Mau vẫn cao hơn so với giá urê nhập khẩu trên thị trường nhưng Đạm Cà Mau vẫn tiếp tục khẳng định vị thế chi phối hàng đầu ở thị trường urê nội địa. Tuy nhiên, do giá urê giảm sâu nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả SXKD của đơn vị, nhất là chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận sau thuế.

Do tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trên quy mô lớn, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Campuchia là những thị trường chính của PVCFC ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, khiến nhu cầu tiêu thụ urê giảm mạnh. Bên cạnh đó việc không áp dụng VAT với mặt hàng phân bón làm tăng chi phí cũng ảnh hưởng đến kết quả SXKD của PVCFC.

PV: Trong bối cảnh khó khăn như vậy, PVCFC đã có những nỗ lực như thế nào để hoàn thành chỉ tiêu đã được đặt ra từ trước?

TGĐ Bùi Minh Tiến: PVCFC đã và đang đưa ra rất nhiều giải pháp tổng thể để ứng phó với những biến động của thị trường. Thứ nhất, Đạm Cà Mau vẫn đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả nhà máy với công suất trung bình 103%; Hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất và tiêu thụ, thể hiện nỗ lực to lớn của công ty trong điều kiện dư cung như hiện nay. Thứ hai, chúng tôi đã không ngừng hoàn thiện hệ thống phân phối, chính sách bán hàng linh hoạt để mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu; Đẩy mạnh các hoạt động marketing, quảng cáo, tiếp thị, tổ chức tập huấn kỹ thuật đến tận bà con nông dân… Thứ ba, tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới, đảm bảo tính cạnh tranh và khác biệt. Cuối cùng là các giải pháp nâng cao năng lực quản trị bằng việc vận hành thành công hệ thống quản trị SAP ERP và hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn COSO – Mỹ. Đặc biệt, năm qua, công ty đã không ngừng phát triển trình độ nguồn nhân lực bằng dự án xây dựng văn hóa doanh nghiệp và các chương trình đào tạo, phát triển nhân viên. Ngoài ra, công ty còn phát động phong trào nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Cuộc thi PVCFC-EUREKA hằng năm với hàng trăm sáng kiến, cải tiến đã mang lại lợi ích hơn 50 tỉ đồng cho công ty.

Kết quả trên có được bên cạnh nhờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sự ủng hộ của các bộ, ngành, Chính phủ trong việc điều tiết giá khí đảm bảo hiệu quả hoạt động của công ty, là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ của tập thể ban lãnh đạo và người lao động Đạm Cà Mau trong suốt năm qua với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả đã được triển khai áp dụng.

PV: 2 năm liên tiếp Đạm Cà Mau đều được công nhận là Thương hiệu Quốc gia dù là thương hiệu còn khá trẻ trên thị trường. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với hành trình phát triển của PVCFC, thưa ông?

TGĐ Bùi Minh Tiến: 2 năm trở lại đây là khoảng thời gian PVCFC gặt hái nhiều thành tích, được xã hội và cộng đồng ghi nhận. Ngoài hai lần liên tiếp đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia, PVCFC còn được vinh danh là Doanh nghiệp vì nhà nông; Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn; Giải thưởng Sao Vàng đất Việt; Giải vàng Chất lượng Quốc gia… Các giải thưởng cao quý trên đều là sự ghi nhận của Chính phủ và bà con nông dân đối với một sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu cao về chất lượng. Tuy nhiên, phần thưởng quan trọng nhất đối với Đạm Cà Mau vẫn là sự tin yêu, tín nhiệm của khách hàng, đồng thời đó cũng là trách nhiệm ngày càng cao của PVCFC đối với người nông dân.

Năm 2016, lần thứ hai liên tiếp Đạm Cà Mau vinh dự được công nhận Thương hiệu Quốc gia khi chỉ mới hơn 5 tuổi. Đây vừa là một bước tiến quan trọng, vừa là động lực để PVCFC tiếp tục phát triển.

PV: Xin ông cho biết, bước sang năm mới, Đạm Cà Mau sẽ có những kế hoạch gì để phát triển mạnh hơn nữa thị trường trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu?

TGĐ Bùi Minh Tiến: Năm 2017, dự báo vẫn là một năm nhiều thách thức, nhưng với vị thế và những thành tích đạt được trong những năm qua, công ty tiếp tục bám sát chiến lược và mục tiêu đề ra. Ngoài việc vận hành tối đa công suất nhà máy, chúng tôi sẽ chủ động triển khai chính sách bán hàng linh hoạt, bám sát diễn biến giá cả thế giới, từ đó đẩy mạnh kinh doanh bộ sản phẩm phân bón Đạm Cà Mau, tối ưu hóa khả năng sinh lời, tăng doanh thu cho công ty. Đồng thời tiếp tục rà soát, đánh giá lại hệ thống phân phối, qua đó bổ sung, nâng cấp thêm các đại lý và khách hàng thương mại phù hợp với định hướng phát triển trong chiến lược kinh doanh.

Cơ cấu tiêu thụ tại các thị trường vẫn được PVCFC duy trì theo đúng định hướng phát triển: Tiếp tục duy trì vị thế số 1 tại Đồng bằng sông Cửu Long; Gia tăng thị phần tại khu vực Đông Nam Bộ, Campuchia; Xâm nhập và phát triển tại thị trường Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc. Ngoài ra, PVCFC cũng tiếp tục tập trung đầu tư triển khai đồng bộ các chiến lược truyền thông, marketing đảm bảo tăng vị thế thương hiệu của Đạm Cà Mau cả thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể là hoàn thiện nội dung, triển khai các hoạt động tiếp thị trực tiếp tới người nông dân, nâng cao hơn nữa hình ảnh, thương hiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm theo cam kết của Đạm Cà Mau với khách hàng. Tổ chức có chiều sâu các chương trình hội thảo, hội nghị tư vấn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân, đặc biệt là kỹ thuật sử dụng phân bón thông minh trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn, để từng bước xây dựng hình ảnh “Người nuôi dưỡng” trong tâm trí khách hàng.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này. Chúc PVCFC tiếp tục có một năm mới thành công hơn nữa!

Năm 2016, hoạt động của nhà máy luôn ổn định với công suất trung bình 100,6%; Sản lượng sản xuất urê quy đổi ước đạt 798,40 nghìn tấn, đạt 102% kế hoạch; Sản lượng tiêu thụ urê quy đổi ước đạt 813,76 nghìn tấn, đạt 104% kế hoạch.

Theo PVN