close

BSR nâng cao công tác quản trị trong mô hình công ty cổ phần

Sau khi tiến hành IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ làm các thủ tục để chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần. Để chuẩn bị tốt nhất cho việc này, ngày 30/3, BSR đã tổ chức hội thảo Nâng cao công tác quản trị trong công ty cổ phần với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý.

Tham dự hội thảo, có đại diện Vụ Đổi mới Doanh nghiệp – Văn phòng chính phủ; Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp – Bộ Công Thương; Viện Kinh tế Việt Nam. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), có sự tham dự của ông Phan Ngọc Trung, Thành viên HĐTV PVN, Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa BSR; ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc PVN. Về phía BSR có sự tham dự của Chủ tịch HĐTV Nguyễn Hoài Giang; Tổng giám đốc Trần Ngọc Nguyên. Ngoài ra còn có đại diện một số ban chuyên môn Tập đoàn, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tập đoàn đã và đang tiến hành cổ phần hóa.

Tại hội thảo, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên đã báo cáo tóm tắt về kết quả sản xuất kinh doanh, kết quả cổ phần hóa và định hướng phát triển sau cổ phần hóa của BSR. Cụ thể, ngay sau khi hoàn thành IPO, BSR đã khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo trong lộ trình CPH.

BSR đã thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM (Hà Nội) theo quy định. Ngày 22/2/2018, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có Thông báo số 2354/VSD-ĐK về việc đăng ký, lưu ký cổ phiếu trúng đấu giá và cấp giấy chứng nhận đăng ký cổ phiếu trúng đấu giá đã thanh toán số 06CPH/2018/GCNCP – VSD cho Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn với mã chứng khoán là BSR.

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Lê Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo.

Cùng ngày, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hà Nội (HNX) chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phần của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn trên hệ thống UPCoM từ ngày 1/3/2018, với mức giá tham chiếu chào sàn là 22.400 đồng/cổ phần, tương ứng với giá trị cổ phần niêm yết khởi điểm đạt 5.417 tỉ đồng. Trong phiên đấu giá đó, chỉ sau vài phút giao dịch, giá cổ phiếu của BSR đã tăng lên đến 31.300 đồng/cổ phần, khá cao so với tham chiếu.

BSR sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược và xác định việc này vào cuối tháng 9/2018. Đây là một bước rất quan trọng trong quá trình CPH BSR. Công ty sẽ bán 44% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong dịp này.

Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên phát biểu tại hội thảo.

Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên, cho biết: “Trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của BSR và PVN, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả chào bán cổ phần và điều chỉnh phương án cổ phần hóa để tiến tới chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Hiện đang chờ Chính phủ xem xét, quyết định để tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu thành lập công ty cổ phần. Thời gian dự kiến tổ chức đại hội cổ đông lần đầu vào tháng 6/2018. Thời gian dự kiến BSR chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/7/2018”.

Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cũng thông báo với hội nghị về đề xuất mô hình quản trị của BSR sau khi cổ phần hóa. Đó là, đại hội cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần. Cơ cấu HĐQT cần đảm bảo sự cân đối giữa các thành viên điều hành và các thành viên không điều hành. Tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT phải là thành viên không điều hành. Kiểm soát viên phải có chuyên môn là kiểm toán viên hoặc kế toán viên.

Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đã thông tin thêm về bối cảnh kinh tế thế giới, Việt Nam và ngành Dầu khí; cơ hội và thách thức đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của BSR; kinh nghiệm quản trị hiệu quả doanh nghiệp khi chuyển đổi mô hình công ty cổ phần.

Tiến sĩ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tiến sĩ Lê Xuân Sang cũng lưu ý với BSR một số khuyến nghị để việc quản trị công ty cổ phần tốt hơn. Đó là cần tăng cường sự tiếp cận thông tin của cổ đông; Nâng cao chất lượng thông tin được công bố, đặc biệt tập trung vào báo cáo thường niên của doanh nghiệp niêm yết. Nâng cao hiệu quả của quy trình tổ chức Đại hội đồng cổ đông. Tạo điều kiện hơn nữa cho cổ đông thiểu số, đặc biệt là cổ đông nước ngoài trong việc thực hiện quyền cho cổ đông; có các phương án phòng tránh và xử lý các xung đột lợi ích. Đồng thời thúc đẩy các hoạt động về môi trường, xã hội và người lao động; tăng chế tài/xử phạt các vi phạm.

Hội thảo cũng có sự tham gia của đại diện Deloitte Việt Nam. Đây là công ty kiểm toán đầu tiên trên thị trường kiểm toán độc lập Việt Nam, sự ra đời và phát triển của Deloitte Việt Nam gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngành kiểm toán độc lập. Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Ivan Hùng Anh, Phó Tổng giám đốc Deloitte đã cung cấp thêm một số thông tin về sự khác nhau giữa Công ty TNHH MTV và Công ty Cổ phần theo quy định của pháp luật.

Các công ty đã tiến hành cổ phần hóa thành công như Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS); Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cũng đã có những chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác quản trị công ty cổ phần.

Toàn cảnh hội thảo.

Kết luận hội thảo, Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đã biểu dương những cố gắng trong quá trình cổ phần hóa của tập thể lãnh đạo và cán bộ, người lao động BSR. Phó Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cho rằng trong thời gian tới, BSR cần nâng cao công tác đào tạo, phổ biến kiến thức về công ty cổ phần; có giải pháp đưa những người trong mắt xích chuỗi quản trị hiện có đến học tập, giao lưu về kinh nghiệm quản trị công ty cổ phần. Đồng thời phải đầu tư thêm cho việc xây dựng hệ thống và công cụ quản trị theo hướng nhanh hơn, minh bạch hơn.

Thanh Hiếu