close

Căng mình chống dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp: Nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN trong quý I/2020 đạt 25,3% kế hoạch năm

Với một loạt các giải pháp chủ động, đồng bộ, linh hoạt trong điều hành, sản xuất nhằm ứng phó hiệu quả tác động kép từ dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp, cộng với tinh thần đoàn kết, “đồng cam cộng khổ” của người lao động dầu khí, các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong tháng 3 nói riêng và quý I/2020 nói chung đều vượt mức kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, hệ quả tất yếu là các chỉ tiêu tài chính của PVN đã không đạt được như kế hoạch đề ra.


Giàn Công nghệ trung tâm số 2 mỏ Bạch Hổ.

3 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới và trong đó, Việt Nam đang phải chịu những hệ lụy trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khi các chuỗi giá trị đang bị tác động nghiêm trọng vì sự gián đoạn cung cầu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu. Trong bối cảnh đó, giá dầu thô trên thị trường thế giới sụt giảm nghiêm trọng tạo khủng hoảng kép cho ngành Dầu khí.

Trước tình hình đó, PVN cùng các đơn vị thành viên đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó nhằm mục tiêu bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho người lao động Dầu khí, đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, tác động của đại dịch và cú sốc giá dầu. Toàn thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) lao động Tập đoàn đã và đang tích cực hưởng ứng, chung tay, góp sức cùng Tập đoàn vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách này. Cụ thể:

Tổ chức Đảng, lãnh đạo doanh nghiệp/đoàn thể các cấp trong toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã thống nhất triển khai, động viên cả hệ thống chính trị thực hiện phòng, chống, khống chế dịch bệnh Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó trong tình hình giá dầu sụt giảm. Tổng giám đốc Tập đoàn đã liên tiếp ban hành và triển khai nhiều chỉ thị, kế hoạch về thực hiện nhiệm vụ, các giải pháp cấp bách nhằm ứng phó với tác động kép của dịch bệnh Covid-19 và giá dầu sụt giảm.

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn đã khẩn trương thực hiện phương án để cán bộ làm việc trực tuyến tại nhà và chỉ bố trí một bộ phận “tối giản” làm việc trực tiếp tại trụ sở. Phát huy tinh thần làm việc nâng cao năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, tránh lãng phí… đối với các CBNV trực tiếp sản xuất, làm việc tại trụ sở cũng như làm việc trực tuyến tại nhà.


Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Tập đoàn và các đơn vị quán triệt tập trung chỉ đạo sản xuất kinh doanh, tăng cường quản trị chi phí tối ưu, triển khai áp dụng các công cụ, giải pháp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nâng cao năng suất lao động (ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sáng kiến, sáng chế, giải pháp cải tiến kỹ thuật …). Rà soát, cắt giảm chi phí có trong kế hoạch nhưng chưa thực sự cần thiết, không đề xuất các khoản chi phí phát sinh (nếu không bắt buộc phải xử lý) nhằm mục tiêu tiết giảm đồng bộ với giảm doanh thu, kể cả giảm thu nhập cá nhân người lao động. Tích cực phối hợp với các đơn vị trong Tập đoàn, trong nước để chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường… nhằm tối ưu hiệu quả trong cả chuỗi giá trị, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong nước có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản phẩm của đơn vị mình cung cấp.

Đặc biệt, PVN và các đơn vị thành viên đã chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin thị trường về cung cầu, biến động giá của dầu thô, sản phẩm dầu khí, từ đó xây dựng phương án, kịch bản tham mưu với cấp thẩm quyền và điều hành cụ thể tại từng thời điểm để tận dụng cơ hội nâng cao hiệu quả trong hoạt động điều hành, giảm thiệt hại do tác động của thị trường.

Với những giải pháp quyết liệt, cụ thể và được thực hiện đồng bộ, xuyên suốt trong toàn PVN, kết thúc quý I/2020, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch khai thác và sản xuất đề ra trong tháng 3 và quý I năm 2020, trong đó:

Tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 3 vượt 8,1% so với kế hoạch tháng, tính chung quý I vượt 10,1% so với kế hoạch quý I và bằng 26,6% kế hoạch năm.

Sản xuất điện tháng 3 đạt 2,097 tỷ kWh, vượt 3,8% kế hoạch tháng 3, tính chung quý I đạt 5,33 tỷ kWh, đạt 100% kế hoạch quý I và bằng 24,7% kế hoạch năm.

Sản xuất đạm tháng 3 đạt 136,9 nghìn tấn, tính chung quý I đạt 441,8 nghìn tấn, vượt 5,5% kế hoạch quý I và bằng 28,3% kế hoạch năm; sản xuất xăng dầu tháng 3 đạt 1,149 triệu tấn, vượt 1,7% kế hoạch tháng, tính chung quý I đạt 3,415 triệu tấn, vượt 2,5% kế hoạch quý I và bằng 28,9% kế hoạch cả năm.


Một góc Nhà máy điện Nhơn Trạch 1.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu tác động kép từ dịch Covid-19 và giá dầu xuống thấp, các chỉ tiêu tài chính của PVN đã không đạt được như kế hoạch. Theo PVN, giá dầu thô trung bình tháng 3/2020 giảm 20USD so với tháng 2/2020 (≈ giảm 33%); giá dầu trung bình quý I/2020 giảm 3,8USD/thùng (≈ giảm 6%) so với mức giá kế hoạch năm (60USD/thùng), giảm 9,1USD/thùng (≈ giảm 14%) so với mức giá trung bình quý I năm 2019 (65,3USD/thùng).

Chịu những tác động nặng nề đó, tổng doanh thu của toàn PVN tháng 3 đạt 49 ngàn tỷ đồng, bằng 80,8% kế hoạch tháng; tính chung quý I/2020 đạt 165 ngàn tỷ đồng, bằng 90,9% kế hoạch quý I và bằng 25,7% kế hoạch năm. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn tháng 3 đạt 6,5 ngàn tỷ đồng, bằng 90,6% kế hoạch tháng; tính chung quý I đạt 20,8 ngàn tỷ đồng, bằng 89,7% so với kế hoạch quý I và bằng 25,3% kế hoạch năm.

PVN đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Nhiều đơn vị trong Tập đoàn đang có nguy cơ mất cân đối, thậm chí là thua lỗ nếu như giá dầu không được cải thiện. Chuỗi giá trị của PVN cũng theo đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhưng bên cạnh những khó khăn, thách thức đó, PVN cũng nhận rõ đây là cơ hội để Tập đoàn đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án đầu tư còn dang dở; mở rộng phạm vi và quy mô đầu tư, gia tăng dự trữ thông qua việc mua dầu thô, thậm chí là mua lại các mỏ khi giá dầu xuống thấp; tăng sở hữu tại các doanh nghiệp có tài sản tốt, hoạt động hiệu quả…

Với tinh thần đó, PVN đang quyết liệt chỉ đạo toàn Tập đoàn triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp về quản trị, đầu tư, tài chính, thị trường và cơ chế chính sách. Tuy nhiên, để những nhóm giải pháp này phát huy hiệu quả cao nhất, tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững khi thị trường ấm lên, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, PVN rất cần sự vào cuộc hỗ trợ của các Bộ, ngành trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc mà Tập đoàn đang phải đối diện; đồng thời tạo cơ chế cho PVN được chủ động trong việc sử dụng các nguồn lực của mình…