close

Chế biến sâu khí thiên nhiên: Chiến lược đúng đắn, triển khai đồng bộ

Với vai trò quan trọng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực quốc gia, ngành công nghiệp khí Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu mà Chính phủ giao phó: “Đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên, đa dạng hóa sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị sử dụng của khí và hiệu quả của sản phẩm khí trong nền kinh tế đất nước”. Xứng đáng với vị trí tiên phong, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đã triển khai nhiệm vụ bằng nhiều chương trình đồng bộ và hiệu quả. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Linh, Chủ tịch HĐQT PV GAS để làm rõ nội dung đang được quan tâm này.

PV: Xin ông cho biết, việc triển khai chiến lược chế biến sâu khí thiên nhiên được Đảng và Nhà nước quan tâm như thế nào?

 
 Ông Lê Như Linh

Ông Lê Như Linh: Ngày 23-7-2015, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 41-NQ/TW về “Định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”, trong đó khẳng định quan điểm: “Công nghiệp khí và chế biến dầu khí là 2 trong 5 lĩnh vực chính trong Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra là: “Xây dựng công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ ở tất cả các khâu: khai thác – thu gom – vận chuyển – chế biến – xuất nhập khẩu – dự trữ – phân phối sản phẩm khí; Giảm dần tỷ trọng sử dụng khí cho điện và chất đốt, tăng cường cho chế biến sâu; đẩy mạnh việc tích hợp, tổ hợp lọc – hóa dầu với các nguồn khí tự nhiên khai thác nhằm nâng cao hiệu quả công trình, dự án đã đầu tư và phát triển các dự án mới cả về quy mô, mức độ chế biến sâu có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế”.

Trên cơ sở Nghị quyết số 41, tại Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 16-1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”, trong đó, một lần nữa khẳng định quan điểm: “Đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sử dụng của khí và hiệu quả của sản phẩm khí trong nền kinh tế”. Chính phủ đã yêu cầu phát triển lĩnh vực hóa dầu từ khí, tăng cường đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khí; tạo ra các nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp trong nước, hướng tới xuất khẩu… Và đây chính là nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam. Từ đó, các nhiệm vụ cụ thể được đề ra như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý khí trên nguyên tắc sử dụng tối đa công suất hệ thống hạ tầng hiện hữu; từng bước xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống kho chứa, nhập khẩu, phân phối LNG; đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sử dụng của khí, giảm tỷ trọng nhập siêu…

“Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” được phê duyệt tại quyết định nêu trên là một bước phát triển nhất quán, tiếp nối “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025” (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 459/QĐ-TTg ngày 30-3-2011) trong đó có nội dung: “Đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sử dụng của khí và hiệu quả của sản phẩm khí trong nền kinh tế, giảm thiểu tỷ trọng LPG nhập khẩu”.

Như vậy, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh chế biến sâu khí thiên nhiên được xuyên suốt qua nhiều thời kỳ, càng trở nên đúng đắn khi những biến động năng lượng toàn cầu đang yêu cầu mỗi quốc gia phải đẩy mạnh tiết kiệm, trân trọng nguồn tài nguyên và đảm bảo chủ quyền quốc gia dựa trên quyền tự chủ về năng lượng và lương thực.

PV: Với chủ trương đúng đắn đó, ngành Dầu khí nói chung và PV GAS nói riêng đã triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Như Linh: Quá trình thu gom an toàn, hiệu quả, tối đa các nguồn khí hiện có, tích cực tìm kiếm các mỏ, nguồn khí bổ sung, tập trung nguồn lực đưa các nguồn khí mới vào bờ đúng tiến độ, tăng cường chất lượng chế biến và kinh doanh khí… là những hành động đúng đắn và sáng tạo mà PVN/PV GAS đang và sẽ thực hiện, biến chiến lược thành hiện thực hiệu quả.


Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố

Trong nhiều năm qua, quyết tâm đẩy mạnh khâu chế biến sâu khí và các sản phẩm khí thể hiện rõ nét nhất là toàn bộ nguồn khí vào bờ đều phải qua các nhà máy xử lý khí để sản xuất ra các sản phẩm khí đa dạng, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng mà còn gia tăng giá trị sản phẩm khí trong chuỗi thu gom – xuất nhập khẩu – vận chuyển – chế biến/chế biến sâu – tồn trữ – dịch vụ – kinh doanh khí và sản phẩm khí của PV GAS. Tại khu vực Đông Nam Bộ, PV GAS đang vận hành Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố (PV GAS đầu tư 100%) và Nhà máy Xử lý khí Nam Côn Sơn (PV GAS đầu tư 51% cùng 2 đối tác nước ngoài) để chế biến sâu nguồn khí Cửu Long và Nam Côn Sơn, tạo ra các sản phẩm LPG, condensate bên cạnh sản phẩm khí khô.

Tập đoàn đã giao cho PV GAS các nhiệm vụ nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án với công nghệ tiên tiến nhất để chế biến sâu sản phẩm khí: ethane và polypropylene tại khu vực Đông Nam Bộ. Đầu năm 2017, Tập đoàn và PV GAS đã ký cam kết việc đảm bảo nguồn nguyên liệu khí etan cho Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam. Nhà máy sản xuất etan của PV GAS là một dự án thành phần nằm trong tổng thể chuỗi dự án Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 2. Tổ hợp hóa dầu miền Nam sẽ sử dụng etan do PV GAS cung cấp như một trong những nguyên liệu đầu vào cho nhà máy để sản xuất các sản phẩm nhựa polyetylen và polypropylen. Việc ký kết hợp đồng cung cấp etan cho LSP dự kiến sẽ đem lại doanh thu cho PV GAS khoảng 100 triệu USD/năm, bắt đầu từ quý IV/2021.

Tại khu vực Tây Nam Bộ, PV GAS được Chính phủ và PVN giao nhiệm vụ tham gia ở khâu trung nguồn đối với khí và khâu hạ nguồn đối với LPG và condensate sản xuất từ Nhà máy Xử lý khí Cà Mau. Dự án Nhà máy Xử lý khí Cà Mau là một thành phần trong Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, đã được PVN phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình để sản xuất LPG và condensate từ nguồn khí thuộc bể Malay – Thổ Chu để gia tăng giá trị trong chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh của PV GAS tại khu vực Tây Nam Bộ nói riêng và ngành công nghiệp khí Việt Nam nói chung. Dự án này được triển khai đồng thời cùng với chuỗi các dự án từ khâu thượng nguồn (thăm dò, khai thác) đến khâu trung nguồn (vận chuyển) và khâu hạ nguồn (chế biến và tiêu thụ).

Với kinh nghiệm đầu tư, vận hành, khai thác các công trình khí trong gần 27 năm hình thành và phát triển, PV GAS tự tin nhận thức được, kiểm soát được rủi ro và áp dụng các giải pháp để đảm bảo hiệu quả đầu tư các dự án chế biến sâu khí thiên nhiên. Bên cạnh đó, với vai trò là Công ty Mẹ, PVN đã tích cực chỉ đạo để đảm bảo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tối ưu cho từng đơn vị thành viên, hài hòa lợi ích chung trong toàn Tập đoàn.

PV: Thưa ông, nội dung chiến lược chế biến sâu khí thiên nhiên sẽ được thể hiện như thế nào?

Ông Lê Như Linh: PV GAS đã công bố triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) giai đoạn 2016-2020 căn cứ trên Chương trình hành động của ngành công thương và PVN. Trong đó, chiến lược chế biến sâu khí thiên nhiên là một nội dung triển khai hết sức quan trọng.

Mục tiêu được đề ra trong giai đoạn 2016-2020 của PV GAS là: Phát triển PV GAS thành doanh nghiệp khí mạnh, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, hoạt động hoàn chỉnh trong tất cả các khâu thu gom – xuất nhập khẩu – vận chuyển – chế biến/chế biến sâu – tồn trữ – dịch vụ – kinh doanh khí và sản phẩm khí, tham gia hoạt động đầu tư thượng nguồn.

Để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch những năm tới, nhiệm vụ quan trọng đó là: Tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, vận hành an toàn, chế biến và kinh doanh hiệu quả các sản phẩm chủ đạo, kiên quyết xử lý các vi phạm trong việc sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. PV GAS quyết tâm giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động thu gom khí; Tham gia hoạt động đầu tư thượng nguồn trong và ngoài nước để chủ động nguồn khí cung cấp cũng như nâng cao vị thế của tổng công ty. Các hệ thống khí trên toàn quốc được đảm bảo xây dựng, vận hành và kinh doanh đồng bộ, an toàn, hiệu quả, tối ưu. PV GAS cũng thực hiện đa dạng hóa và gia tăng sản lượng các sản phẩm khí; Tăng cường chế biến sâu khí và sản phẩm khí trên cơ sở hiệu quả; thực hiện giải pháp tăng tỷ lệ thu hồi LPG; triển khai đầu tư Dự án tách ethane cung cấp cho dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam; Thường xuyên rà soát công tác đầu tư hệ thống kho chứa, cảng xuất, trạm nạp và hệ thống phân phối sản phẩm khí (LPG, CNG, LNG), đảm bảo việc tồn trữ, phân phối kịp thời, thuận tiện, ổn định, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu kinh doanh.

PV GAS cũng định hướng đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh tại nước ngoài, đảm bảo hiệu quả, cân bằng và ổn định nguồn cung trong nước, phát triển thương hiệu PV GAS trên thị trường quốc tế; đồng thời khẳng định trách nhiệm bảo vệ an ninh, tham gia tăng cường sự hiện diện và khẳng định chủ quyền của Việt Nam, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên Biển Đông.

PV: Xin cảm ơn ông!

 “Đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sử dụng của khí và hiệu quả của sản phẩm khí trong nền kinh tế, giảm thiểu tỷ trọng LPG nhập khẩu”.

T.Thông