Ngày 05/01/2018, tại Hà Nội, Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tổ chức “Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phần BSR”.
Tham dự hội thảo có Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lãnh đạo đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Công ty Kiểm toán Deloitte, các nhà đầu tư chiến lược cùng 250 nhà đầu tư quan tâm đến BSR.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có Thành viên HĐTV PVN Phan Ngọc Trung, Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên cùng các Thành viên HĐTV, Ban Tổng giám đốc và các ban chuyên môn BSR.
BSR là một trong những Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đầu tiên dự kiến tỷ lệ nhà nước giảm xuống dưới 50%, trong đó chào bán cho nhà đầu tư chiến lược lên tới 49%. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành trong việc cổ phần hóa, cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư được sở hữu tỷ lệ đáng kể, thậm chí là cổ đông lớn nhất của BSR, đơn vị tiên phong trong ngành lọc – hóa dầu Việt Nam.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo.
Năm 2017, BSR đã hoàn thành vượt mức so với kế hoạch đề ra các chỉ tiêu về sản lượng và các chỉ tiêu tài chính. Sản lượng sản xuất 6,1 triệu tấn; sản lượng tiêu thụ gần 6,1 triệu tấn. Doanh thu ước đạt 80.517 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 10.392 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 8.035 tỷ đồng. Kế hoạch 2018, BSR đặt ra chỉ tiêu tổng doanh thu 78.392 tỷ đồng, nộp NSNN 8.326 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế 3.473 tỷ đồng. Với đà tăng trưởng và sự ổn định trong vận hành của NMLD Dung Quất; chắc chắn BSR sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu tài chính 2018.
Phó Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo.
Sau gần 9 năm đi vào hoạt động, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đã sản xuất và xuất bán gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 862,5 ngàn tỉ đồng (~38 tỉ USD), nộp ngân sách Nhà nước hơn 143,1 nghìn tỉ đồng (gần 7 tỉ USD). Các chỉ số tài chính của Công ty BSR trong 11 tháng 2017 đều ở mức cao với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ ROE là 21,12%; Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ROS là 10,56%; Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản ROA là 11,9%.Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù là một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhưng BSR lại có quy mô của một tổng công ty lớn, với vốn điều lệ lên tới hơn 31.000 tỷ đồng (khoảng 1,4 tỷ USD), doanh thu hằng năm trên 3 tỷ USD, nộp ngân sách hằng năm trên 10.000 tỷ đồng và tổng nộp ngân sách từ khi hoạt động đến nay là 7 tỷ USD. BSR là một trong số ít những DNNN có quy mô lớn ngang tầm các doanh nghiệp trong khu vực và hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước.
|
Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên giới thiệu các điểm nhấn đầu tư vào BSR.
Dự kiến vào ngày 17/01, BSR sẽ là doanh nghiệp đầu tiên thực hiện IPO trong năm 2018. Với Quy mô chào bán lên đến hơn 3.500 tỷ đồng (tính theo giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phần) thì đây sẽ là một trong những đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng lớn nhất từ trước đến nay, vượt xa các đợt IPO của các doanh nghiệp Nhà nước trước đó như Đạm Cà Mau (thu về khoảng 1.580 tỷ đồng năm 2014); Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam – ACV (thu về 1.116 tỷ đồng năm 2015) và VEAM – Tổng công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (thu về khoảng 2.136 tỷ đồng năm 2016)”.
Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên trao đổi cùng các nhà đầu tư bên lề hội thảo.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc PVN – đơn vị chủ quản BSR cho rằng: Cổ phần hóa BSR sẽ là một trong những bước chuẩn bị cho việc huy động vốn đầu tư cho dự án NCMR Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Dự án NCMR dự kiến có tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD với tỷ lệ vốn chủ tài trợ 30%, dự kiến sẽ bắt đầu được giải ngân tập trung trong giai đoạn 2019 – 2021. Sau khi dự án đi vào vận hành, dự kiến công suất chế biến của BSR sẽ nâng lên 8,5 triệu tấn/năm, các nguồn dầu thô có thể xử lý được sẽ được nâng lên trên 300 loại và chất lượng sản phẩm nhà máy sẽ đáp ứng tiêu chuẩn Euro V theo đúng lộ trình tiêu chuẩn khí thải được quy định tại Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong tương lai gần, BSR sẽ khai thác lợi thế gần mỏ khí Cá Voi Xanh để đầu tư vào lĩnh vực hóa dầu, tối đa hóa sản lượng các sản phẩm hóa dầu như hạt nhựa PP do nhu cầu thị trường còn rất lớn, biên lợi nhuận của sản phẩm này cũng cao hơn hẳn các sản phẩm lọc dầu, trong khi đó nguồn cung trong nước chỉ chiếm khoảng 15%.
Dự kiến, trong tháng 01/2018 có đến 03 doanh nghiệp ngành dầu khí thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng bao gồm: BSR, PVOIL và PV Power, ước tính sẽ thu về cho Nhà nước tối thiểu khoảng 13.000 tỷ đồng.
Đại diện Tập đoàn Vitol – ông Darrell Ec bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của BSR.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược kinh tế phân tích: Đợt chào bán cổ phiếu ra thị trường của BSR vào thời điểm cực tốt trong cái thế của dòng đầu tư lớn vào nước ta. Ngược lại với chất và lượng của cổ phiếu BSR cũng góp phần thúc đẩy các dòng đầu tư lớn trong năm 2018.
Ông Darrell Ec – đại diện Tập đoàn Vitol cho biết rất mong muốn được hợp tác với BSR, cũng như được trở thành nhà đầu tư chiến lược của BSR khi công ty cổ phần hóa, việc trở thành nhà đầu tư chiến lược của BSR là cơ hội rất tốt để Vitol tham gia vào thị trường xăng dầu Việt Nam.
Bà Nguyễn Thanh Phương – đại diện Tập đoàn SNT cũng bày tỏ hy vọng trở thành nhà đầu tư chiến lược vào BSR.
Đại diện Tập đoàn SNT – bà Nguyễn Thanh Phương nhận định: “Với hoạt động kinh doanh khả quan hiện nay và tiềm năng phát triển mạnh của BSR trong những năm tới, chúng tôi đánh giá đây là cơ hội đầu tư rất tốt và hi vọng trở thành đối tác chiến lược của BSR với khả năng sở hữu đến 49% cổ phần. Nếu trở thành đối tác chiến lược của BSR mục tiêu của SNT như sau: Nâng cấp mở rộng nhà máy, mở rộng khu bồn chứa dầu thô, bồn chứa các sản phẩm lọc hóa dầu, xây dựng kho ngoại quan và bồn chứa để tham gia phương án cho thuê kho chứa về dầu phục vụ các đối tác tạm nhập tái xuất; bao tiêu các sản phẩm do BSR sản xuất”.
Tại hội thảo, các nhà đầu tư đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề về biên độ lợi nhuận, khả năng phát triển trong trung hạn và dài hạn cũng như sự minh bạch trong tài chính của BSR. Tất cả câu hỏi của nhà đầu tư đều được lãnh đạo BSR trả lời thấu đáo cùng những ví dụ và phân tích cụ thể.
Toàn cảnh hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào BSR.
Có thể nói, với việc đạt các chuẩn mực quốc tế trong mọi hoạt động từ hệ thống quản lý, quy trình sản xuất kinh doanh khoa học đến khả năng sáng tạo không ngừng của đội ngũ nhân sự chất lượng cao, cùng với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu cả về lợi nhuận lẫn quy mô (theo đánh giá của tổ chức Vietnam Report), cổ phiếu BSR đang thực sự là cơ hội hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Phương án cổ phần hóa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn: Cổ phần Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nắm giữ tại BSR là 1.333.214.835 cổ phẩn, chiếm 43% vốn điều lệ; Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 6.483.000 cổ phần, chiếm 0,21% vốn điều lệ; 241.556.969 cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 7,79% vốn điều lệ; 1.519.244.812 cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 49% vốn điều lệ. |
Nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ theo quy định.
Bùi Công