Cách đây 25 năm, vào tháng 10-1992, Hợp đồng Chia sản phẩm dầu khí (PSC) Lô 15-2 thềm lục địa Việt Nam được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và JVPC. Kể từ ngày đó, JVPC bắt đầu triển khai các hoạt động thăm dò dầu khí. Các nhà thầu hiện nay của Hợp đồng PSC gồm JVPC, Perenco Rang Dong Ltd. (Perenco) và Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Thỏa thuận Điều hành chung Lô 15-2 đã được các bên ký kết ngày 17-12-1997, theo đó JVPC là nhà điều hành của dự án.
Kể từ khi hợp đồng được ký kết, các bên nhà thầu dưới sự điều hành của JVPC, đã tích cực tiến hành một khối lượng công việc đồ sộ. Ngay trong giếng khoan thăm dò đầu tiên vào tháng 6-1994, JVPC đã phát hiện có dầu khí tại khu vực triển vọng Rạng Đông. 2 năm sau vào tháng 6-1996, JVPC công bố phát hiện thương mại tại khu vực mỏ Rạng Đông và bắt đầu thực hiện kế hoạch phát triển mỏ.
Lần lượt vào các năm 1998 và 2008, JVPC đã đưa mỏ Rạng Đông và Phương Đông vào khai thác công nghiệp với lưu lượng khai thác dầu ban đầu khoảng 28.000 thùng/ngày, mức lưu lượng cao nhất đạt trên 70.000 thùng/ngày. Mỏ Rạng Đông và Phương Đông là hai trong số những mỏ mang lại sản lượng dầu khí và nguồn thu quan trọng cho quốc gia cũng như hiệu quả cao về đầu tư cho PVEP và các đối tác nước ngoài của dự án.
Người lao động JVPC trên giàn Rạng Đông
Điều đặc biệt của dự án là trong giai đoạn phát triển mỏ toàn bộ công tác từ chế tạo, xây dựng cho tới lắp đặt ngoài biển phần lớn do các nhà thầu Việt Nam thực hiện. Việc sử dụng các nhà thầu trong nước thể hiện việc tuân thủ chặt chẽ các quy định theo hợp đồng của JVPC trong việc sử dụng nguồn lực tại Việt Nam. Điều đó cũng chứng minh năng lực ngày càng cạnh tranh của các nhà thầu phụ trong nước khi cung cấp dịch vụ cho các nhà thầu nước ngoài. Với nỗ lực không ngừng của tất cả các bên tham gia hợp đồng, sản lượng dầu khí tại Lô 15-2 lần lượt đạt được các mốc khai thác 100 triệu thùng dầu vào tháng 6-2005, đạt 150 triệu thùng dầu vào tháng 7-2008 và gần đây nhất là 200 triệu thùng dầu vào tháng 7-2014.
Trong suốt 25 năm tiến hành các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Lô 15-2, JVPC luôn chủ động ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí trong sản xuất để mang lại hiệu quả cao.
JVPC là nhà thầu đầu tiên khoan tới 2.617m trong tầng đá móng nứt nẻ và đã áp dụng thành công bơm ép nước trong giai đoạn khai thác thứ cấp cho vỉa móng và trầm tích Mioxen dưới. Đồng thời, JVPC đã tích cực nghiên cứu và là nhà thầu đầu tiên tại Việt Nam triển khai công nghệ khai thác nâng cao hệ số thu hồi dầu như: Bơm ép thực nghiệm CO2 vỉa Mioxen năm 2011; áp dụng GAGD cho vỉa móng; và bơm ép khí hydrocarbon gas cho toàn bộ vỉa Mioxen dưới vào năm 2014.
Thành công và kinh nghiệm trong thực tế triển khai công nghệ khai thác nâng cao thu hồi dầu giúp JVPC tối ưu khả năng thu hồi dầu một cách hiệu quả nhất kéo dài thời gian khai thác kinh tế của mỏ, do đó đã thuyết phục được các bên đạt được gia hạn hợp đồng PSC Lô 15-2. Dựa trên đề xuất của Petrovietnam và Tổ hợp nhà thầu, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép gia hạn Hợp đồng dầu khí Lô 15-2 thêm 5 năm (áp dụng với mỏ Rạng Đông), đến ngày 6-4-2025. Sự thành công của dự án cũng đã mở ra triển vọng lớn cho việc áp dụng rộng rãi công nghệ này vào việc khai thác tận thu và kéo dài đời mỏ tại các lô dầu khí khác ở Việt Nam trong tương lai.
Nhằm thu hồi toàn bộ khí đồng hành phục vụ việc phát triển kinh tế của ngành công nghiệp trong bờ và giảm thiểu phát thải CO2 ra môi trường, từ năm 2001, JVPC đã tiến hành thu gom khí đồng hành từ mỏ vận chuyển vào bờ. Dự án Thu gom và sử dụng khí đồng hành mỏ Rạng Đông là dự án thăm dò khai thác dầu khí đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới đăng ký thành công là Dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM). Dự án vừa giảm ô nhiễm môi trường vừa mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho nước chủ nhà và tất cả các bên tham gia.
Bên cạnh việc đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định, JVPC cam kết đặt vấn đề an toàn lao động, bảo vệ môi trường lên trên hết. Năm 2017, JVPC đạt kỷ lục 14 năm liên tiếp không có sự cố phải dừng làm việc kể từ khi đưa giàn CPC vào sử dụng.
JVPC chú trọng vào công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ và điều động nhân viên Việt Nam vào những vị trí quan trọng mà trước đây do người nước ngoài đảm nhiệm. |
Xác định nhân viên là tài sản quý giá nhất, vì thế, song song với việc nỗ lực hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh, JVPC chú trọng vào công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ và điều động nhân viên Việt Nam vào những vị trí quan trọng mà trước đây do người nước ngoài đảm nhiệm.
Thành công tại JVPC kết hợp nhiều yếu tố, trong đó sự hợp tác chặt chẽ, tạo mọi điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành và sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của Petrovietnam, đại diện là PVEP, đóng vai trò then chốt. Việc cùng tham gia vào Dự án Lô 15-2 của PVEP và Perenco hiệp lực được thế mạnh chuyên môn tốt nhất để đạt được thành công cho dự án.
Trong thời gian tới, JVPC, PVEP cùng các bên liên quan hướng tới hợp tác chặt chẽ, cũng như chia sẻ các kinh nghiệm của mình để mang đến những thành công tiếp theo cho dự án, đồng thời phát triển mối quan hệ hợp tác giữa JVPC, PVEP và các bên không chỉ đối với các hoạt động tại Lô 15-2 mà còn ở các dự án tiềm năng khác tại Việt Nam và trên thế giới.
Hiền Anh