Tháng 5 này, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), kỷ niệm 20 năm Ngày Truyền thống Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất (31/5/1997-31/5/2017). Gần như không có sự chuẩn bị tưng bừng nào cho những nghi lễ thường thấy ở các cuộc kỷ niệm lớn. Bởi tất cả đang dồn sức cho nhiệm vụ sản xuất với công suất cao nhất, để cho ra lượng sản phẩm nhiều nhất nhằm bù đắp thiếu hụt trong những ngày dừng nhà máy cho đợt bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần thứ 3 sắp tới.
Sản xuất, kinh doanh hiệu quả
Kể từ khi NMLD Dung Quất nhận bàn giao từ nhà thầu chính và tổ chức sản xuất đến tháng hết 2-2017, đã sản xuất được 45.345 ngàn tấn sản phẩm các loại. Và xuất bán 45.135 ngàn tấn, đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
7 năm sản xuất ra chừng ấy lượng nhiên liệu, đã cho doanh thu 814.173 tỉ đồng (tương đương 38 tỉ USD). Nộp ngân sách Nhà nước 137.393 tỉ đồng (tương đương 6,5 tỉ USD). Gấp đôi so với tổng mức đầu tư xây dựng nhà máy (3 tỉ USD).
Bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần thứ 2
Đây không chỉ là minh chứng cho sự đầu tư hiệu quả, mà còn là câu trả lời cho những đồn đoán, nghi ngờ về tính hiệu quả của nhà máy. Không dưới một lần NMLD Dung Quất bị “tai tiếng”. Nào là “sống được là nhờ ưu đãi”, rồi “điệp khúc xin ưu đãi”, và “ưu đãi đến đâu là đủ”… Trước “sóng gió” của dư luận, người lao động của NMLD Dung Quất vẫn âm thầm bám máy, không ngừng sáng tạo trong lao động.
Trong sản xuất, kinh doanh có lúc lời, lúc thua lỗ là điều không thể tránh khỏi. Với BSR cũng vậy, kể từ khi đi vào sản xuất đến nay, cũng có thời điểm khó khăn gay gắt, gay gắt đến mức nhiên liệu sản xuất ra hết chỗ chứa phải mang đi gửi, vì giá thành không cạnh tranh nổi với xăng dầu nhập khẩu. “Đoạn trường này” chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu.
Mọi khó khăn rồi cũng được khắc phục, “con tàu Dung Quất” đã vượt qua những ghềnh thác, vượt qua những cơn sóng dữ, kiên định tư tưởng, tìm ra nhiều biện pháp để khắc phục những hạn chế. Hàng loạt các biện pháp được triển khai, trong đó đầu tiên phải kể đến là biện pháp nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp (DN), năng lực làm chủ khoa học công nghệ, năng lực phát huy sức mạnh nội sinh….
Chỉ mới 7 năm sản xuất, kinh doanh trong một môi trường hoàn toàn mới mẻ, ngành lọc dầu non trẻ của đất nước không chỉ làm ra khối lượng sản phẩm 38 tỉ USD, mà còn nộp ngân sách Nhà nước gấp đôi số vốn đầu tư, gọi đấy là điều kỳ diệu cũng không quá lời. Nếu làm một phép tính so sánh, thì hiệu quả kinh tế của một nhà máy được đầu tư 3 tỉ USD, với trên 1.400 lao động, bằng hàng chục địa phương khác cộng lại.
Đây chính là niềm tự hào thứ nhất.
Đầu tàu của miền Trung
Vai trò của NMLD Dung Quất đối với tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung là hết sức quan trọng. Nhà máy được ví là trái tim của Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, hằng năm đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Ngãi từ 80% trở lên. Thật sự là đầu tàu thúc đẩy các ngành kinh tế phụ trợ phát triển, được ví là “lực hút” các nhà đầu tư đến với KKT Dung Quất.
Quảng Ngãi, mảnh đất kiên cường cách mạng, nhưng điều kiện để phát triển kinh tế của tỉnh lại rất hạn chế. Tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên hầu như không có gì, ngoài việc đi ra biển… đánh cá. Diện tích chật hẹp, cả tỉnh không có được một khu du lịch, một bãi tắm, không có một nhà máy, tỷ lệ đói nghèo luôn ở mức cao… Hằng năm, Chính phủ phải rót về cho tỉnh 40-60% ngân sách…
Bây giờ, bất cứ ai đến Quảng Ngãi cũng đều dễ dàng nhận thấy sự bứt phá mạnh mẽ. Nếu như năm 2005, GDP bình quân đầu người ở Quảng Ngãi chỉ đạt 319 USD. Và tổng thu ngân sách đạt 546,2 tỉ đồng, thì chỉ sau 3 năm (năm 2008), GDP bình quân đầu người ở tỉnh này đã tăng gần gấp đôi: 608 USD và tổng thu ngân sách cũng cũng tăng gần gấp 3 lần: 1.557,2 tỉ đồng. Hiện Quảng Ngãi nằm trong tốp 10 tỉnh, thành trong cả nước có số thu nội địa cao nhất.
Nếu như, khi nhà máy mới đi vào sản xuất, mới chỉ có khoảng 40% số cán bộ, công nhân viên là người Quảng Ngãi, thì nay con số đó đã lên đến 70%. Nhiều vị trí quan trọng của nhà máy, do chính cán bộ, kỹ sư người Quảng Ngãi đảm nhận.
Tính đến giữa tháng 7-2016, Quảng Ngãi đã thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất với 130 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 182 nghìn tỉ đồng. Và đã có 84 DN đang hoạt động. Theo đánh giá của tỉnh Quảng Ngãi, NMLD Dung Quất là một trong những DN hoạt động hiệu quả nhất, góp phần quyết định thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh này phát triển.
Hiệu quả tổng hợp từ NMLD số 1 Dung Quất sau 7 năm đi vào hoạt động, là một minh chứng cho đường lối xây dựng một nền kinh tế thị trường có sự quản lý theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước ta. Điều này ngày càng sáng rõ, ngày càng thấy sự sáng suốt của quyết định lịch sử của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Vai trò đầu tàu của NMLD Dung Quất tại Quảng Ngãi và cả khu vực miền Trung được hiểu là như vậy.
Làm lợi hàng trăm triệu USD
Kể từ khi đi vào vận hành thương mại đến nay, NMLD Dung Quất luôn vận hành ở ngưỡng 102-107% công suất thiết kế. Đây được coi là điểm sáng trong công tác làm chủ công nghệ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật của nhà máy.
Hơn 10 triệu giờ công vận hành an toàn là minh chứng cho sự làm chủ công nghệ của đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật, người lao động NMLD Dung Quất. Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên không dưới một lần khẳng định: “Vốn quý nhất của nhà máy là con người”. Những người đã được tôi luyện và thử thách trong công việc; tôi luyện thử thách trong việc đối đầu với khó khăn, thách thức. Hôm nay họ là lao động bình thường, nhưng ngày mai sẽ là chuyên gia cho các NMLD được xây dựng mới.
Nói như vậy hoàn toàn không phải là “bốc thơm”, mà sự thật là như vậy. Hãy thử hình dung, cách đây 7 năm, khi NMLD Dung Quất mới hình thành. Những người được coi là “chuyên gia” trong tương lai gần, chỉ là “vai phụ” cho hơn 1.000 chuyên gia kỹ thuật nước ngoài trong việc vận hành nhà máy. Vừa học, vừa làm tất cả các “vai phụ” ấy đến nay đã hoàn toàn đủ khả năng đảm nhiệm công việc ở các phân xưởng công nghệ.
Hiện nay, tại NMLD Dung Quất chỉ còn khoảng “hai chục” chuyên gia. Việc thay thế hầu hết các vị trí do chuyên gia đảm nhận từ trước, không chỉ thành công lớn trong việc vươn lên làm chủ công nghệ, làm chủ khoa học, kỹ thuật của cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của nhà máy. Mà còn tiết kiệm cho ngân sách nhiều triệu USD.
Xin được nhớ cho, NMLD Dung Quất là loại nhà máy “độc nhất vô nhị” trên thế giới. Hầu hết các NMLD trên thế giới thường chỉ có từ 3-4 phân xưởng công nghệ, còn Dung Quất là… 14 phân xưởng. Như vậy quy mô nhà máy, cũng như tính phức tạp khác hẳn với các nhà máy thông thường.
Bên cạnh sự vươn lên mạnh mẽ làm chủ khoa học kỹ thuật, trong quá trình vận hành nhà máy của đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật còn có hàng ngàn sáng kiến, hàng trăm đề tài khoa học nhằm tối ưu hóa quá trình sản xuất, làm lợi cho Nhà nước hàng trăm triệu USD. Trong 7 năm hoạt động, BSR đã thực hiện 130 sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước 128,9 triệu USD (gần 3.000 tỉ đồng); có 596 cải tiến Kaizen, làm lợi 1,85 triệu USD và thực hiện 33 đề tài, nghiên cứu khoa học khác…
Công nhân bảo dưỡng nhà máy
Không hề chủ quan để nói rằng, đây không chỉ là nguồn lực của NMLD Dung Quất, mà còn là nguồn lực của ngành công nghiệp lọc hóa dầu của cả nước trong tương lai gần có thêm những nhà máy lọc hóa dầu mới ra đời.
Vào ngày 29-10-2016 mới đây, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Diễn đàn Liên kết Thương mại toàn cầu Global GTA đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh DN năm 2016. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn vinh dự được trao chứng nhận Doanh nghiệp Chất lượng và Thương hiệu hàng đầu năm 2016. Ghi nhận này là sự khẳng định: BSR là DN hàng đầu Việt Nam về doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước.
Thêm một lần khẳng định, thương hiệu BSR hay Lọc dầu Dung Quất, cùng với các sản phẩm xăng dầu sản xuất từ NMLD Dung Quất luôn bảo đảm chất lượng đạt các tiêu chuẩn quy định của quốc tế, đồng nghĩa với đó là nhiều chỉ số vượt tiêu chuẩn Việt Nam. Không chỉ vậy, nhiều loại nhiên liệu phục vụ cho hàng không, cho thiết bị quốc phòng cũng đã được nhà máy sản xuất thành công.
Đây là niềm tự hào của ngành Dầu khí nói chung, của NMLD Dung Quất nói riêng. Không chỉ làm chủ công nghệ một cách nhanh nhất, mà còn chủ động sản xuất các loại nhiên liệu “khó tính” nhất, bảo đảm sự chủ động cho quân đội trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
“Hiệp sĩ” bảo vệ môi trường
Ngày 5-4-2017 mới đây, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn đã vinh dự đón nhận chứng chỉ “Trusted Green – Chỉ số tín nhiệm xanh 2016”. Đây là lần thứ 2 liên tiếp tính từ năm 2016, BSR vinh dự nhận chứng chỉ uy tín này.
Được biết, chứng nhận “Trusted Green – Chỉ số Tín nhiệm Xanh 2016” do Trung tâm Đánh giá chỉ số Tín nhiệm Châu Á Thái Bình Dương khảo sát và Tổ chức InterConformity – CHLB Đức giám sát chất lượng, Viện Doanh nghiệp Việt Nam cấp. Chứng nhận “Trusted Green” chính là thước đo chuẩn xác, là bằng chứng về hành động thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, an toàn, có trách nhiệm và nhiều quyết định mang tính đột phá hướng đến tiêu dùng bền vững của BSR.
Và chứng nhận này chỉ được cấp khi doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí: Phải là DN tiến bộ; DN đạt được chỉ số tín nhiệm lợi thế cạnh tranh; sản phẩm của DN đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về thân thiện với môi trường; DN có ý thức tiết kiệm tiêu thụ năng lượng mang tính bền vững; phải là DN có trách nhiệm với xã hội; DN phải có ý thức ngăn chặn các tác động tiêu cực đến môi trường; DN mở rộng thị trường mới bằng cách tạo ra các sản phẩm xanh.
Nhân chuyện này, xin được nói thêm về công tác bảo vệ môi trường của BSR. Ngay từ đầu BSR đã xây dựng thành công hệ thống quản lý an toàn sức khỏe môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn ISO/4001 cho hệ thống quản lý môi trường và tiêu chuẩn OHSAS 18001 cho hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp cho NMLD Dung Quất.
Một điều không thể không nói tới, BSR chấp nhận sự đầu tư cao, để đầu tư các thiết bị hiện đại, với số tiền tính bằng “triệu đô” ngay từ khi xây dựng nhà máy. Tầm nhìn xa ấy, chấp nhận sự khấu hao kéo dài, chấp nhận lãi thấp xuống, nhưng đổi lại giữ được môi trường trong lành không chỉ cho nhà máy, mà cho cả xã hội.
Tất nhiên, như vậy vẫn là chưa đủ, nếu những người làm chủ nhà máy không “vận động” liên tục. Sự “vận động” mà chúng tôi muốn nói ở đây chính là biện pháp quản lý, là công tác ứng phó, là sự đầu tư liên tục cho lĩnh vực này. Vào Dung Quất sẽ cảm thấy bất ngờ khi trên lịch công tác của các phân xưởng, hầu như ngày nào cũng có diễn tập; khi thì ứng phó sự cố tràn dầu, lúc thì phòng chống cháy nổ… Nhưng sẽ không còn bất ngờ, nếu được biết đấy chính là nhiệm vụ thường xuyên. Thông tin về bảo vệ môi trường được cập nhật liên tục cho nhân sự của nhà máy bằng các lớp đào tạo tại chỗ. Sự “vận động” ấy đã trang bị cho nhân sự của nhà máy ý thức bảo vệ môi trường ngay từ trong tiềm thức.
Còn nhớ Ngày 9-8-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm, kiểm tra NMLD Dung Quất. Sau khi kiểm tra toàn diện các mặt công tác, trực tiếp quan sát công tác vận hành của nhà máy, nghe lãnh đạo BSR báo cáo. Thủ tướng đánh giá cao việc bảo vệ môi trường của NMLD Dung Quất và cho rằng đây là hình mẫu về việc bảo vệ môi trường của những dự án công nghiệp hiện đại, quy mô lớn của Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá: Sự trưởng thành và lớn mạnh của BSR rất đáng trân trọng và rất đáng hoan nghênh. Thủ tướng nói: “Đây là bông hoa đẹp không chỉ của ngành Dầu khí, mà của cả nền công nghiệp của đất nước”.
Sự động viên của Thủ tướng, chính là niềm tự hào chính đáng của người lao động Dầu khí Dung Quất.
NMLD Dung Quất được xây dựng trên địa bàn hai xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một trong những dự án kinh tế trọng điểm quốc gia.
Nhà máy chiếm diện tích khoảng 810ha, trong đó 345ha mặt đất và 471ha mặt biển. Công suất tối đa của nhà máy là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm tương đương 148.000 thùng/ngày, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước.
Sản phẩm của nhà máy gồm: Propylene; khí hóa lỏng (LPG; xăng RON 92); xăng RON A95; dầu hỏa/nhiên liệu bay Jet A1; dầu động cơ diesel ôtô; dầu nhiên liệu (FO); polypropylene. Hiện nay, BSR đã nghiên cứu và sản xuất thành công các loại sản phẩm mới như xăng nhiên liệu sinh học E5-RON 92, nhiên liệu phản lực Jet A-1K và nhiên liệu diesel L-62 dùng cho quốc phòng.
Nhà máy gồm 14 phân xưởng chế biến công nghệ, 10 phân xưởng năng lượng phụ trợ và 8 hạng mục ngoại vi. Các hạng mục chính của nhà máy bao gồm: cảng nhập dầu thô; khu bể chứa dầu thô; các phân xưởng phụ trợ; các phân xưởng công nghệ; khu bể chứa trung gian; đường ống dẫn và khu bể chứa sản phẩm; cảng xuất sản phẩm bằng đường biển và trạm xuất bằng đường bộ; đê chắn sóng; khu nhà hành chính; nhà máy sản xuất polypropylene.
Từ ngày đi vào sản xuất đến nay, nhà máy đã dừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể (BDTT) 2 lần. Theo kế hoạch, vào ngày 5-6 tới đây nhà máy sẽ dừng sản xuất để BDTT lần thứ 3, dự kiến thời gian bảo dưỡng diễn ra trong vòng 52 ngày.
Lần bảo dưỡng thứ nhất là nằm trong hợp đồng với nhà thầu chính. Việc BDTT là để kiểm tra, rà soát từng chi tiết nhỏ nhất xem tình trạng của thiết bị như thế nào, cái gì khắc phục…. Đây là điều khoản được quy định trong hợp đồng, chứ không phải vấn đề phát sinh.
Việc BDTT lần thứ 2 và lần thứ 3 sắp tới cũng nằm trong kế hoạch và yêu cầu nghiêm ngặt của kỹ thuật. Qua các lần bảo dưỡng là một lần “nâng cấp” nhà máy tiếp cận với công nghệ cao, giúp đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của nhà máy nâng cao năng lực làm chủ khoa học công nghệ.
Mục tiêu của đợt BDTT lần 3 giúp NMLD hoạt động an toàn, ổn định ở công suất từ 110% trở lên; kéo dài thời gian BDTT từ 3 năm lên 4 năm. Lãnh đạo BSR phấn đấu BDTT lần này rút ngắn thời gian khoảng 7 ngày. Được biết đưa nhà máy vận hành sớm 1 ngày là Nhà nước có thêm 1 triệu USD.
Hiện BSR đang tích cực triển khai Dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất từ 6,5 triệu tấn lên 8,5 triệu tấn/năm. Với tiến độ như hiện nay dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch vào cuối năm 2021.
Công tác cổ phần hóa đang được triển khai đúng lộ trình, đã hoàn thành kiểm toán Nhà nước về giá trị doanh nghiệp. Theo kế hoạch BSR sẽ thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm nay.
Từ năm 2010 đến nay BSR đã thực hiện chương trình an sinh xã hội trên 236 tỉ đồng (riêng tỉnh Quảng Ngãi là hơn 192 tỉ đồng). |
Đặng Trung Hội