Với vị thế là nhà cung cấp bảo hiểm phi nhân thọ số 1 tại Việt Nam, cổ phiếu PVI – mã chứng khoán của Công ty CP PVI (PVI) đang trở nên hấp dẫn, được giới đầu tư săn đón trên thị trường. Giá trị cổ phiếu PVI sau thời gian dài giao dịch quanh mức 25.000 đồng/cổ phiếu đã vọt lên mức 30.000 đồng/cổ phiếu, cá biệt có phiên lên tới 32.800 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 30-3-2017.
Triển vọng tăng trưởng lớn
Những năm qua, thị trường bảo hiểm (BH) Việt Nam đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung cấp BH cả trong và ngoài nước, trong đó có lĩnh vực BH phi nhân thọ. Tuy nhiên, vượt qua những áp lực cạnh tranh đó, từ năm 2014 đến nay, theo báo cáo của Cục Quản lý và Giám sát BH (Bộ Tài chính), PVI luôn là nhà cung cấp BH phi nhân thọ số 1 tại Việt Nam. Như năm 2016, tổng doanh thu phí bảo gốc của thị trường BH phi nhân thọ vào khoảng 36.372 tỉ đồng thì PVI dẫn đầu với doanh thu đạt 6.782 tỉ đồng, chiếm 18,65% thị phần; đứng thứ 2 là BH Bảo Việt với doanh thu ước đạt 6.333 tỉ đồng, chiếm 17,41% thị phần; vị trí thứ 3 là Bảo Minh với doanh thu ước đạt 3.034 tỉ đồng, chiếm 8,34% thị phần…
Theo đại diện của PVI, vị thế số 1 của PVI trên thị trường BH phi nhân thọ có được là do công ty không ngừng mở rộng thị trường, không chỉ trong ngành Dầu khí mà với cả các ngành, lĩnh vực khác. Theo đó, trong lĩnh vực hàng không, BH PVI hiện là nhà BH đứng đầu, cung cấp dịch vụ BH cho tất cả các đội bay từ Vietnam Arline đến Vietjet… Trong lĩnh vực hàng hải, PVI cũng đang cung cấp các dịch vụ BH của Vinaline, Vinashin… Rồi đến các lĩnh vực giao thông vận tải, các công trình hạ tầng cơ sở…
Ngoài ra, thời gian qua, PVI tiếp tục đẩy mạnh các kênh phân phối BH qua ngân hàng, đại lý, môi giới. Đặc biệt, không chỉ phát triển tốt dịch vụ khách hàng cá nhân mà mảng khách hàng doanh nghiệp (DN) cũng được PVI thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, xứng tầm vị thế nhà BH phi nhân thọ số 1 hiện nay. Việc tư vấn sản phẩm, đàm phán chương trình, cấp và quản lý đơn BH cũng như giải quyết các sự cố phát sinh là một chu trình khép kín, với thời gian được kiểm soát chặt chẽ nhưng linh hoạt, đã mang lại sự yên tâm cho khách hàng và được đánh giá cao.
Giới chuyên gia cho rằng, với vị thế đã được khẳng định trên thị trường từ nhiều năm nay, triển vọng tăng trưởng của PVI trong những năm tới là rất lớn bởi theo Hiệp hội BH Việt Nam, tăng trưởng về doanh thu của khối BH phi nhân thọ trong năm 2017 có thể trên 14%. Đặc biệt, phí BH ở Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1,5% GDP so với mức 3,8% ở Đông Nam Á cho thấy dư địa tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nói chung và của PVI nói riêng là rất lớn. Và đây cũng chính là những yếu tố nền tảng tạo nên sức hấp dẫn của cổ phiếu PVI suốt những năm qua.
Giám đốc Tài chính HDI Global (thuộc Tập đoàn Talanx – cổ đông của PVI Holdings) Ulrich Heinz Wollschlager khi trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về kỳ vọng phát triển của PVI đã khẳng định: Chúng tôi rất hài lòng với khoản đầu tư vào PVI, bởi ngay từ đầu khi mới trở thành nhà đầu tư chiến lược của công ty, Talanx đã được hưởng lợi bởi đây là một công ty làm ăn có lãi, sinh lời và được trả cổ tức ngay từ năm đầu tiên. Và với những kết quả đã đạt được, Talanx tin rằng, trong tương lai gần, PVI sẽ trở thành nhà BH phi nhân thọ đa quốc gia và có năng lực trên thị trường khu vực, là sự lựa chọn đầu tiên tại khu vực châu Á về lĩnh vực BH công nghiệp.
Uy tín và thương hiệu
Trong nền kinh tế thị trường, một nguyên tắc sống còn đối với mọi nhà đầu tư đó là hiệu quả đầu tư, là khả năng sinh lời của dòng vốn. Chắc chắn sẽ chẳng có nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư hay góp vốn vào một DN nếu không thấy được khả năng sinh lời mà DN có thể mang lại cả. PVI đã giải quyết một cách xuất sắc bài toán hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư. Đó cũng chính là giá trị “vàng” của cổ phiếu PVI.
Theo Chủ tịch PVI Nguyễn Anh Tuấn, PVI là công ty đại chúng, mọi quyết sách, định hướng chiến lược trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh đều phải được các cổ đông, nhà đầu tư thông qua. Mà trong cơ cấu cổ đông của PVI, các nhà đầu tư đến từ Đức, Oman, Canada… và cổ đông khác chiếm tới 75% vốn điều lệ của PVI. Hoạt động đầu tư kinh doanh của PVI vì thế không chỉ tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam mà còn phải theo những nguyên tắc tài chính vô cùng chặt chẽ từ các cổ đông nước ngoài. Hiệu quả của quá trình này cũng không chỉ được PVI kiểm toán mà còn được chính các nhà đầu tư nước ngoài thuê kiểm toán và đây đều là những công ty kiểm toán hàng đầu trên thế giới.
“PVI là công ty đại chúng hoạt động theo các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh, trên nguyên tắc thị trường lấy hiệu quả đầu tư, kinh doanh và quyền lợi cổ đông làm đầu. Mọi hoạt động đầu tư của PVI đều hết sức minh bạch, tuân thủ theo những nguyên tắc tài chính vô cùng chặt chẽ và được giám sát chặt bởi một hệ thống kiểm tra, kiểm soát của DN cũng như của chính các cổ đông” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Và một điểm vô cùng quan trọng, theo ông Tuấn là yếu tố “sống còn” đối với sự phát triển, là tài sản vô giá của DN đó là thương hiệu, uy tín trên thị trường. Việc định vị được thương hiệu, khẳng định được uy tín DN trên thị trường, với khách hàng, nhà đầu tư là điều vô cùng quan trọng. Điều này sẽ giúp DN chiếm lĩnh lợi thế cạnh tranh trong “cuộc chiến” đang ngày càng khốc liệt với các sản phẩm, DN khác trên thị trường. Đặc biệt trong lĩnh vực BH, tài chính thì vấn đề thương hiệu, uy tín DN càng quan trọng, bởi xét ở một góc độ nào đó, đây là những lĩnh vực kinh doanh rủi ro. Đó có thể là rủi ro về tài sản đối với hoạt động BH phi nhân thọ, là sức khỏe, thậm chí là mạng sống con người với lĩnh vực nhân thọ. Vậy nên, một DN muốn tồn tại, phát triển vì thế phải xây dựng được thương hiệu, khẳng định được uy tín DN và phải bảo vệ được thương hiệu.
Ở PVI, thương hiệu, chữ tín là những cam kết về chất lượng dịch vụ và thực thi các cam kết đó. Khách hàng tìm đến và PVI trở thành nhà cung cấp BH phi nhân thọ hàng đầu là minh chứng cho lòng tin của khách hàng dành cho PVI. Với nhà đầu tư đó là cam kết về hiệu quả dòng vốn đầu tư, là cam kết về sự minh bạch trong quản trị. Với người lao động là các cam kết về các chế độ phúc lợi, về lương bổng, nâng cao thu nhập người lao động.
Thanh Ngọc