Sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng hải, anh Toàn cũng như bao sinh viên mới ra trường khác mong muốn công việc của mình sẽ liên quan tới kiến thức mà mình được học và gắn liền với biển. Anh chia sẻ: “Đúng trong thời gian ấy, Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) có đợt tuyển dụng, lúc đó tôi nghĩ đây là một cơ hội lớn nhưng cũng đầy thách thức. Bởi đây là một công ty lớn trong ngành Dầu khí Việt Nam nên có rất nhiều ứng cử viên tham gia ứng tuyển, cơ hội rất thấp cho những sinh viên mới ra trường”.
May mắn đã mỉm cười với anh. Và từ đây, kỹ sư trẻ Đinh Đức Toàn đã có cơ hội để phát huy những kiến thức được học cho công việc của mình tại PPS. Có thể nói, đây là đơn vị mạnh nhất tại Việt Nam về khai thác cũng như vận hành các kho nổi chứa và xuất dầu FPSO/FSO và môi trường làm việc tại nơi đây cũng chuyên nghiệp, hăng say và là môi trường lý tưởng để niềm đam mê công việc được phát triển, sáng tạo.
Kỹ sư Đinh Đức Toàn
Nhờ làm việc trong môi trường như vậy, những năm qua, kỹ sư trẻ Đinh Đức Toàn luôn nhiệt tình nghiên cứu, tìm tòi những sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động. Có thể kể tới đề tài “Nâng cao tính ổn định của hệ thống Delta V trên tàu FPSO Ruby II”; đồng tác giả sáng kiến “Nghiên cứu chế tạo seal cho hệ thống 4 way valve trên Metering Skid tàu FPSO PTSC Lam Sơn” giá trị làm lợi mang lại 556 triệu và đặc biệt là sáng kiến “Nghiên cứu tự sửa chữa máy Historian của hệ thống ICSS trên tàu FPSO PTSC Lam Sơn” đưa vào áp dụng từ quý I/2016, giá trị làm lợi 40.430USD.
Với sáng kiến “Nghiên cứu tự sửa chữa máy Historian của hệ thống ICSS trên tàu FPSO PTSC Lam Sơn”, anh chia sẻ, tàu chứa và xử lý dầu thô FPSO PTSC Lam Sơn hiện có hệ thống ICSS của Hãng Kongsberg nổi tiếng trên thế giới. Hệ thống ICSS được thiết kế để thực hiện tích hợp (Integrated) các hệ thống lại hệ thống trung tâm để thực hiện điều khiển (Control), giám sát và bảo vệ (Safety) các hệ thống khi phát hiện sự cố. Để thực hiện việc lưu giữ liệu hệ thống ICSS cần đến máy tính trạm Historian Station (HS97) với phần mềm chuyên dụng của hãng được cài trên máy tính. Mọi sự cố với HS97 đều làm mất dữ liệu trên ICSS sẽ gây khó khăn cho việc nghiên cứu, đánh giá hệ thống trên tàu FPSO PTSC Lam Sơn đang hoạt động thế nào.
Trong tháng 1-2016, đột nhiên trên ICSS báo hệ thống máy tính HS97 bị lỗi và không thể lấy được thông tin đã lưu giữ, không thể cập nhật thêm thông tin vào hệ thống. Việc này làm ảnh hưởng rất nhiều tới vận hành trên tàu FPSO PTSC Lam Sơn vì không thể xem lại (Trend) của các thiết bị cũng như hệ thống để đánh giá tình trạng hoạt động. Tổ Điện – Tự động hóa đã liên hệ với Hãng Kongsberg để hỗ trợ xử lý, tuy nhiên họ yêu cầu gửi toàn bộ máy về bên Singapore để kiểm tra và sửa chữa. Phương án thứ hai là cung cấp hệ thống máy mới cùng với nhân sự của hãng ra tàu thực hiện việc cài đặt cấu hình cho máy HS97 mới.
|
Công nghệ kỹ thuật được áp dụng của ngành Dầu khí đòi hỏi người sử dụng phải am hiểu và làm chủ được công nghệ. Để giảm thiểu sự phụ thuộc công nghệ, người vận hành phải luôn học hỏi tìm tòi và đưa ra các giải pháp sáng kiến để nâng cao năng lực sản xuất cũng như tính ổn định và sẵn sàng của hệ thống. |
Chính vì thế, kỹ sư Đinh Đức Toàn đã nghiên cứu khôi phục lại chương trình và cấu hình của máy Station HS 97 và thực hiện tự khắc phục lỗi trên Historation Station HS97 của hệ thống ICSS trên tàu FPSO PTSC Lam Sơn. Sau khi thực hiện nghiên cứu, khôi phục và cấu hình lại máy Station HS97 cho hệ thống ICSS rồi đưa vào hoạt động từ tháng 3-2016 đến nay, hệ thống mang chức năng lưu giữ cho ICSS được thực hiện bình thường, đảm bảo công tác khai thác trên tàu FPSO PTSC Lam Sơn được lưu giữ toàn bộ dữ liệu.
Anh cho biết: “Khó khăn lớn nhất là các sản phẩm sau khi cải tiến phải chứng minh được rằng, cải tạo nâng cấp xong thì hệ thống hoạt động ổn định và hiệu quả, không được ảnh hưởng và gián đoạn sản xuất. Việc gián đoạn này sẽ gây ra hậu quả rất lớn đối với công việc sản xuất kinh doanh, vì khi sản phẩm đưa vào không được hoàn chỉnh thì lúc đó sẽ phải dừng sản xuất để khắc phục, gây ảnh hưởng tới công ty. Tuy nhiên, các kỹ sư, công nhân làm việc tại đơn vị cũng có nhiều thuận lợi, bởi các sáng kiến đưa ra luôn luôn được lãnh đạo công ty tạo điều kiện để phát huy, cũng như luôn được quan tâm, đánh giá để sản phẩm được hoàn thiện trước khi đưa vào sử dụng”.
Được tặng danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2017, anh Toàn tâm sự: “Đây là một niềm vinh dự lớn đối với bản thân và gia đình tôi. Sau giải thưởng này, tôi và các đồng nghiệp đều tự nhủ sẽ phải luôn luôn phấn đấu hơn nữa để đáp lại sự tin tưởng, tạo điều kiện của lãnh đạo công ty”.
Đối với những doanh nghiệp hoạt động trong ngành kinh tế – kỹ thuật chất lượng cao như ngành Dầu khí, sự phát triển của đơn vị thường được “đo đếm” bằng chính sự phát triển khoa học kỹ thuật, cũng như chất lượng nguồn nhân lực. Vì thế, những kỹ sư trẻ như anh Đinh Đức Toàn đều tâm niệm, việc nâng cao tay nghề cũng như đẩy mạnh phát huy các sáng kiến, sáng chế, cải tiến kỹ thuật và làm lợi cho đơn vị không chỉ là niềm đam mê mà còn là nhiệm vụ đóng góp cho đơn vị, cho ngành Dầu khí.
Bên cạnh danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc”, kỹ sư trẻ Đinh Đức Toàn còn được tuyên dương danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương cùng các giấy khen, bằng khen do Đoàn Thanh niên và ban lãnh đạo PTSC trao tặng. Ngoài ra, Đinh Đức Toàn còn được tuyên dương cá nhân xuất sắc, có nhiều sáng kiến giá trị nhất trong phong trào Kaizen của tổng công ty. |
K.An