close

Mệnh lệnh tăng trưởng!

Nói là mệnh lệnh bởi đó là điều kiện cần và đủ để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN). Không tăng trưởng, hoặc tăng trưởng chậm hơn có thể khiến DN thụt lùi, mất lợi thế cạnh tranh, thị phần vào tay đối thủ. Vị thế, tầm ảnh hưởng và đóng góp của DN theo đó cũng suy giảm theo.

Với DN, tăng trưởng là sự mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng thị phần và được thể hiện qua việc tăng doanh thu, lợi nhuận của DN. Tăng trưởng vì thế là bài toán mà bất kỳ nhà quản trị nào cũng phải tìm lời giải cho dù DN đó đang ở đỉnh cao, thiết lập mức doanh thu, lợi nhuận kỷ lục trong lĩnh vực hoạt động; đồng thời cũng là thước đo đánh giá hiệu quả của mô hình quản trị, điều hành, cấu trúc hoạt động và thực thi chiến lược kinh doanh của DN.



Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng chủ trì giao ban CEO thường kỳ tháng 4/2023 nhằm đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh Quý I và triển khai nhiệm vụ tháng 4 và Quý II

Sự biến mất, đánh mất vị thế của những thương hiệu đình đám một thời như Yahoo, Nokia… là bài học nhãn tiền đối với các nhà quản trị. Năm 2000, ông lớn công nghệ Yahoo được định giá tới 125 tỷ USD, và vào thời điểm đó, gần như bất kỳ ai, dù là già hay trẻ, có điều kiện tiếp cận với Internet thì gần như đều sở hữu cho mình ít nhất một tài khoản Yahoo. Tuy nhiên, ngày nay, trước sự phát triển như vũ bão của các nền tảng công nghệ với các ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Twitch…, Yahoo đã gần như biến mất. Hay như câu chuyện của Nokia – thương hiệu điện thoại đình đám một thời, đang chật vật tìm lại vị thế chẳng hạn. Việc chậm đổi mới, cập nhật chiến lược kinh doanh, nắm bắt xu hướng thị trường… khiến những thương hiệu này dần lạc hậu, đánh mất thị phần, khó khăn trong tăng trưởng và hệ quả là mất dần vị thế, thương hiệu bị bào mòn.

Nói vậy để thấy rằng, tăng trưởng chính là mục tiêu tối thượng mà mọi nhà quản trị đều phải hướng tới, là bài toán tự thân, yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển bền vững của DN. Thậm chí, trong thế giới có nhiều biến động, cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, DN muốn tồn tại, phát triển thì không những phải duy trì đà tăng trưởng mà phải tăng trưởng với tốc độ cao hơn. Không có tăng trưởng hoặc tăng trưởng ở mức thấp cũng có thể xem là thất bại đối với DN chứ không chỉ là chuyện sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận, hiệu suất…

Ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), trong chuyến công tác, làm việc với các đơn vị thành viên của Tập đoàn đầu năm nay, khi nói về các mục tiêu quản trị trong năm 2023 đã nhấn mạnh rằng, mục tiêu và nhiệm vụ quản trị đặt ra để đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng là trách nhiệm của nhà quản trị đối với các cổ đông và đối với người lao động trong DN. DN phải có tăng trưởng, không có tăng trưởng, không có thu nhập mới, không có việc làm mới thì làm sao DN phát triển và đáp ứng được kỳ vọng của người lao động trong DN.

Việc xây dựng kế hoạch năm là phải dựa trên kết quả thực hiện của năm ngoái. Đây là áp lực với Petrovietnam bởi tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2022 đạt tới 931,2 nghìn tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch năm, tăng 48% so với năm 2021 và là mức kỷ lục trong 61 năm hình thành và phát triển. Kế hoạch cũng phải phản ánh đúng năng lực. Năm nào cũng hoàn thành kế hoạch, tạo ra một con số doanh thu, nhưng quan trọng là mất bao nhiêu chi phí để tạo ra doanh thu đó. Anh xây dựng kế hoạch thấp thì lại phát triển dư thừa nguồn lực, lung tung ra chỗ này chỗ nọ. Mục tiêu, nhiệm vụ của Petrovietnam tuy rất lớn, nhưng theo ông Hùng thì hoàn toàn phù hợp với văn hóa “Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình” của Tập đoàn. Tất cả các đơn vị trong Petrovietnam đều phải như thế. Nếu như vậy mà Petrovietnam và các đơn vị thành viên đạt được mới có ý nghĩa.



Người lao động Dầu khí làm việc tại công trình dầu khí trên biển

Nhưng xây dựng kế hoạch, đặt mục tiêu tăng trưởng rồi thì phải có kịch bản, giải pháp quản trị nó với mục tiêu tối thượng là tạo ra doanh thu, lợi nhuận tốt nhất cho DN. Tại Petrovietnam, quản trị biến động đã trở thành văn hóa trong quản trị DN và đã góp phần tạo nên những thành tích ấn tượng, không chỉ ở công ty mẹ mà còn ở tất cả các đơn vị thành viên. Petrovietnam luôn chú trọng bám sát diễn biến của thị trường, cập nhật các chính sách, sự phát triển của khoa học công nghệ, của môi trường tự nhiên, chính trị xã hội... từ đó nghiên cứu và xây dựng nhiều kịch bản, giải pháp tương ứng. Ban lãnh đạo Petrovietnam đã ban hành Quyết định số 110 về “Bộ giải pháp ứng phó” cho 5 nhóm quản trị, thị trường, tài chính, đầu tư và cơ chế chính sách vào đầu năm 2020. Trước mỗi kỳ điều hành, lãnh đạo các đơn vị đều phải chủ động thực hiện các dự báo, xây dựng kịch bản và điều chỉnh các kế hoạch SXKD cho phù hợp thực tế. Petrovietnam phân cấp đồng bộ, giao quyền cho người hiểu rõ nhất về công việc ra quyết định và chịu trách nhiệm, để có những quyết định nhanh chóng, chính xác và ứng biến kịp thời. Sự lãnh đạo, điều phối nguồn lực, hỗ trợ, cùng với kiểm tra, giám sát, quản trị rủi ro từ Petrovietnam đến các đơn vị thành viên phải nhất quán, có hệ thống, kết nối chuỗi giá trị, đảm bảo tính liên tục và hướng đích..

Đặt mục tiêu tăng trưởng không phải vì thành tích mà là cách để tạo áp lực đổi mới, hoàn thiện cấu trúc, mô hình quản trị, phát huy tối đa nguồn lực, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cũng như tạo động lực phát triển và tăng khả năng chống chọi với khủng hoảng cho DN. Quan điểm, tinh thần nhất quán được Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng quán triệt đối với công tác quản trị, điều hành của Tập đoàn là không thể đi lùi, buộc phải đi ngang hoặc đi lên. Không có giới hạn đối với mục tiêu tăng trưởng, dư địa thị trường còn lớn, Petrovietnam không thỏa mãn với những gì đã có, hài lòng với đóng góp của mình cho đất nước. Đó cũng là bản chất, là ADN đã ngấm vào máu của lớp lớp các thế hệ người lao động dầu khí, là khát vọng chinh phục, khát vọng vượt thử thách, khát vọng cống hiến vời sứ mệnh “Tìm dầu để làm giàu cho Tổ quốc".

Tất nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng đặt mục tiêu tăng trưởng bởi có những thời điểm, trước những biến động thị trường, tác động từ các cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế… hoạt động của DN suy giảm. Nhiều khi suy giảm ở mức thấp hơn sự suy giảm chung của thị trường cũng được xem là thành công của DN.

Tăng trưởng là mệnh lệnh cho sự phát triển bền vững và với một DN có quy mô lớn, là đầu tàu của nền kinh tế, giữ vai trò xương sống về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế và cả cho an ninh quốc phòng như Petrovietnam, thì đó còn là trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và trước nhân dân!

 Năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, song dự báo tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn, thách thức xuất hiện ngày càng nhiều hơn, tạo sức ép rất lớn đến công tác quản trị, điều hành của Tập đoàn. Với quyết tâm hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ được giao, Petrovietnam đã xây dựng kế hoạch năm 2023 với mục tiêu và quyết tâm cao hơn so với kế hoạch năm 2022. Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu toàn Tập đoàn là 677,7 nghìn tỷ đồng (không bao gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn), lợi nhuận hợp nhất 34 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 78,3 nghìn tỷ đồng.

Thanh Ngọc