Bài 2: Làm chủ công nghệ tiên tiến
VSP được thành lập năm 1981 trên cơ sở Hiệp định Liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô về hợp tác thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Quá trình hơn 35 năm phát triển của VSP, ông Vũ Nam Cường, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc VSP, đánh giá: “Với mô hình liên doanh, cho đến thời điểm này, VSP đang hoạt động rất hiệu quả. Sự ra đời của VSP tạo nền móng cho sự phát triển của nền công nghiệp khai thác dầu khí ngoài biển của Việt Nam, đồng thời đi đầu trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực cho ngành dầu khí. Thời điểm thành lập VSP, đội ngũ cán bộ còn bỡ ngỡ, mới mẻ, đến nay, tất cả các công việc liên quan đến khai thác dầu khí ngoài biển, chúng ta tự tin đội ngũ cán bộ kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được”. Tăng cường khai thác dầu, VSP đã nghiên cứu áp dụng nhiều biện pháp công nghệ khác nhau.
Vận hành đường ống trên giàn khoan. Ảnh: Đức Hậu – Vietsovpetro
Kỹ sư Hoàng Hồng Lĩnh (Xí nghiệp khoan & SG) cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, ngành Dầu khí nói chung và VSP nói riêng, đứng trước khó khăn thử thách rất lớn: giá dầu liên tục giảm sâu, sản lượng dầu đang có chiều hướng giảm, các giếng khoan ngày càng phức tạp. Để thi công những giếng khoan có góc nghiêng lớn, các giếng khoan cắt thân, VSP vẫn phải thuê dịch vụ dung dịch với chi phí rất lớn từ các công ty bên ngoài. Điển hình như năm 2014, VSP đã phải thuê dịch vụ dung dịch cho hơn 20 giếng khoan với chi phí lên đến 25 triệu USD”.
Đứng trước yêu cầu cấp thiết phải giảm tối đa mọi chi phí, trong đó có chi phí dung dịch, bảo đảm thi công giếng khoan an toàn và hiệu quả, cần phải tăng cường tính tự lực, làm chủ công nghệ, giảm thiểu thuê dịch vụ dung dịch từ bên ngoài và nâng cao chất lượng dung dịch của VSP lên tương đương với các hệ dung dịch tiên tiến hiện nay trên thế giới, đội ngũ dung dịch VSP và kỹ sư Hoàng Hồng Lĩnh không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, thí nghiệm, thử nghiệm, đưa ra các sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất phù hợp, để nâng cao chất lượng thi công những giếng khoan của VSP, đặc biệt là với các giếng khoan có điều kiện địa chất và cấu tạo phức tạp.
Trong những sáng kiến mà kỹ sư Hoàng Hồng Lĩnh tham gia với tư cách là tác giả hay đồng tác giả trong những năm qua, ông tâm đắc nhất là 2 sáng kiến về nghiên cứu và đưa vào áp dụng 2 hệ dung dịch mới (KGAC và KGAC PLUS) của Vietsovpetro.
Ông Lĩnh cùng các cộng sự dựa trên cơ sở kết hợp hợp lý những thành phần của hệ dung dịch truyền thống của VSP với các thành phần tương hợp, trong hệ dung dịch tiên tiến trên thế giới, để tạo ra 2 hệ dung dịch mới, có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thực tế thi công các giếng khoan của VSP và nhiều nơi khác. Hiệu quả kinh tế cho năm đầu tiên áp dụng những hệ dung dịch này là hàng triệu USD. Qua việc áp dụng hai hệ dung dịch mới này, đội ngũ dung dịch VSP nhanh chóng trưởng thành và làm chủ về công nghệ thi công dung dịch, giảm thiểu thuê dịch vụ dung dịch của bên ngoài, đồng thời chủ động lựa chọn được những vật tư, hóa phẩm sẵn có trên thị trường Việt Nam với giá cả cạnh tranh, tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, tận dụng được nhiều nguồn nhân, vật lực của Việt Nam…
Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, hầu hết các giếng khoan (trên 20 giếng khoan/năm), kể cả những giếng khoan phức tạp, VSP đã chủ động thi công bằng 2 hệ dung dịch mới KGAC và KGAC PLUS, số giếng phải thuê dịch vụ từ bên ngoài chỉ còn 4-5 giếng/năm. Mặt khác, nhằm giảm chi phí thi công dung dịch tối đa, các kỹ sư VSP đã cố gắng tận dụng triệt để những dung dịch có chất lượng cao trên để tái sử dụng cho các giếng khoan tiếp theo, tại cùng một giàn khoan, hoặc vận chuyển sang giàn khoan khác sử dụng trong những điều kiện phù hợp. Trong quá trình gia công, xử lý dung dịch, các kỹ sư VSP luôn tìm cách nâng cao hiệu quả sử dụng các hóa phẩm với quy trình và đơn pha chế phù hợp, tận dụng những vật tư, hóa phẩm tồn một cách hợp lý, nhờ vậy đã tiết kiệm vật tư, hóa phẩm gia công dung dịch hàng triệu USD mỗi năm.
Có thể nói, năm 2017 là năm VSP tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn. Hai Nhà nước giao VSP khai thác 5 triệu tấn dầu, tuy nhiên, để bảo đảm sản lượng khai thác, VSP gặp nhiều khó khăn. Một trong những lý do khách quan là do điều kiện của mỏ, của vỉa. Năm 2016, VSP kỷ niệm 35 năm thành lập, cũng là 35 năm khai thác tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ. Sau 35 năm hoạt động với thành quả khai thác trên 226 triệu tấn dầu thực sự là sự cố gắng nỗ lực, là công sức lao động của tập thể lao động quốc tế Việt – Nga. Theo ông Vũ Nam Cường, năm vừa qua, VSP đưa giàn mới vào khai thác là giàn Thỏ Trắng 3 sớm hơn 1 năm so với quy định nhằm gia tăng sản lượng khai thác. Hiện nay, VSP đang tập trung áp dụng các biện pháp xử lý cặn đáy giếng, tăng số giếng được xử lý.
Một giải pháp nữa VSP cần làm là tập trung các phương tiện khoan, thực hiện việc khoan, sửa giếng. Trong thời gian tới, chuyển khai thác lên tầng trên để cho sản lượng dầu cao hơn; tiếp tục bám sát việc bơm vét nước, bảo đảm năng lượng cho vỉa để có thể đẩy dầu, khai thác dầu ở đáy giếng; bên cạnh đó, thực hiện tối ưu hóa hệ thống lọc không khí, áp dụng các biện pháp bơm các loại hóa phẩm ức chế quá trình lắng đọng của muối ở đáy giếng ở giàn Thỏ Trắng…
Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật được xác định là một trong những giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng, sản lượng dầu khai thác. Đại hội lần thứ X Đảng Bộ Vietsovpetro định hướng đến năm 2020, số đơn đăng ký sáng kiến, sáng chế dự kiến là 750 đơn, trung bình mỗi năm có khoảng 150 đơn đăng ký sáng kiến, sáng chế. Dự kiến số tiền tiết kiệm được từ áp dụng sáng kiến, sáng chế khoảng 5 triệu USD.
Đó là những giải pháp thiết thực giúp các doanh nghiệp ngành dầu khí vượt qua khó khăn, góp phần để ngành dầu khí Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí trụ cột của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đại hội lần thứ X Đảng bộ Vietsovpetro định hướng đến năm 2020, số đơn đăng ký sáng kiến sáng chế dự kiến là 750 đơn, trung bình mỗi năm có khoảng 150 đơn ước tính số tiền tiết kiệm được từ áp dụng sáng kiến, sáng chế khoảng 5 triệu USD. |
Phương Nguyễn