Xem giàn Đại Hùng 01 như ngôi nhà thứ hai sau 10 năm công tác – kỹ sư Tăng Văn Đồng tâm sự với chúng tôi trong lần gặp gần đây. Đảm nhiệm chức danh giàn trưởng từ năm 2010 đến nay, kỹ sư Tăng Văn Đồng là 1 trong 40 gương điển hình được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tôn vinh vào tháng 8-2016. Đồng thời, giàn trưởng Tăng Văn Đồng là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP). Xin giới thiệu tới độc giả những tâm sự của anh, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập PVEP.
Trước khi về công tác ở PVEP tôi từng công tác tại Phòng Kỹ thuật sản xuất, Xí nghiệp Đại Hùng, trực thuộc Xí nghiệp Liên doanh Việt – Xô. Đến năm 2005, tôi ra làm việc tại giàn DH-01 và đảm nhận vị trí Đốc công khai thác. Đến năm 2007, tôi được lãnh đạo PVEP điều động đảm nhận chức danh Giàn phó sản xuất, làm việc đổi ca với Giàn trưởng và đến năm 2010 thì chính thức đảm nhận vị trí Giàn trưởng DH-01. Như vậy trước khi đảm nhận chức danh Giàn trưởng DH-01 cũng như bao giàn trưởng khác, tôi đều trải qua hầu hết các vị trí chủ chốt trên giàn.
|
Thắp lửa giàn Đại Hùng 01 |
Khối lượng công việc của Giàn trưởng DH-01 không nhẹ chút nào. Giàn trưởng phải thực hiện chức năng trực tiếp quản lý và điều hành sản xuất trên vùng mỏ Đại Hùng một cách an toàn, liên tục và hiệu quả. Trong đó, giàn trưởng phải quản lý, tổ chức và phối hợp hoạt động của các bộ phận trên giàn DH-01và DH-02 để duy trì việc khai thác dầu và bơm ép; quản lý, tổ chức và phối hợp mọi hoạt động trên giàn DH-01 và DH-02, tàu chứa dầu, tàu cấp dầu, tàu mua dầu, các tàu trực hoặc tàu vận chuyển đồ tiếp tế, giàn khoan, tàu khoan và các tàu dịch vụ khác có mặt trong khu vực mỏ Đại Hùng.
Đồng thời, giàn trưởng còn là người tổ chức tất cả các hoạt động của các đơn vị khác và các nhà thầu làm việc trên mỏ Đại Hùng. Để giàn hoạt động liên tục 24/24 thì giàn trưởng phải luôn thực hiện công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát và thực hiện mọi biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng con người và tài sản, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất. Đồng thời, còn phải quản lý, tổ chức và bố trí nhân lực trên giàn đảm bảo nhân lực phục vụ vận hành sản xuất, lập kế hoạch đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho nhân lực của giàn, quy hoạch cán bộ quản lý thay thế dự phòng…
Đối với tôi, việc duy trì giàn hoạt động hiệu quả, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất của Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC), đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị cũng như chăm lo đời sống sức khỏe của nhân viên trên giàn luôn là mối quan tâm hàng đầu. Bất cứ sự cố nào dù lớn hay nhỏ, bất cứ trường hợp nào đau ốm dù nặng hay nhẹ đều có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại mỏ và trên giàn. Các công việc được thực hiện hằng ngày và thường xuyên luôn luôn tạo áp lực cho người quản lý.
Đó là khối lượng công việc trên giàn vào mùa biển êm, còn khi mùa biển động, nhất là khi có gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam thì rất nhiều tình huống phải ứng phó. Ở thời điểm này, giàn luôn luôn đối diện với nguy cơ tách tàu chứa dầu khỏi calm buoy để bảo vệ xích neo, dây buộc tàu và đường ống dẫn dầu; những thời điểm đó, việc quyết định giữ tàu lại hay tách tàu thực sự rất khó khăn và nhạy cảm, đòi hỏi sự quyết đoán và tập trung cao độ của người chỉ huy. Bởi nếu tách tàu đồng nghĩa với việc dừng sản xuất, sau đó phải chờ huy động hoa tiêu, tàu bè để cập lại tàu chứa, làm tốn kém chi phí và ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất. Còn nếu không tách tàu hoặc quyết định không kịp thời trong điều kiện thời tiết diễn biến xấu thì có nguy cơ đứt dây buộc tàu, đứt xích neo, đứt ống dẫn dầu… Khi đó hậu quả thật khôn lường vì mức độ thiệt hại tài sản, ô nhiễm môi trường và phải dừng giàn khai thác dài hạn để sửa chữa. Những thời điểm này, tôi và anh em trong ca trực phải thức trắng nhiều đêm hoặc chỉ ngủ chập chờn là chuyện rất bình thường.
Anh Tăng Văn Đồng (ngoài cùng bên trái) nhận quà từ lãnh đạo Tập đoàn trong lễ gắn biển công trình Đại hội Đảng bộ Tập đoàn năm 2015
Chưa kể, mỏ Đại Hùng nằm gần tuyến hàng hải quốc tế nên có nguy cơ tàu lạ xâm nhập, trôi dạt vào mỏ và va chạm với các phương tiện hoạt động tại mỏ. Khả năng này ít khi xảy ra nhưng cũng là mối quan tâm lo lắng và thực tế đã xảy ra khi vào cuối năm 2013 đã có tàu Free Hero tải trọng 20.000 tấn bị chết máy trôi dạt vào hướng giàn DH- 01 và DH-02, khi đó nếu không ứng cứu xử lý kịp thời thì hậu quả thật khủng khiếp.
Giàn Đại Hùng tiền thân là giàn khoan được đóng từ thập niên 70 của thế kỷ trước, thiết bị đã cũ kỹ lạc hậu, nhiều thiết bị xuống cấp nghiêm trọng, vật tư phụ tùng không còn sản xuất do đó việc sửa chữa gặp rất nhiều trở ngại, hoạt động sản xuất thường xuyên bị dừng. Ngoài ra Đại Hùng có công nghệ khai thác nhiều khác biệt so với dự án khác nên việc hỗ trợ và duy trì thiết bị hoạt động liên tục là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nghiên cứu tìm tòi các giải pháp vận hành hiệu quả và các phương án vật tư thiết bị thay thế. Hưởng ứng phong trào “phát huy nội lực, sáng kiến cải tiến kỹ thuật” lãnh đạo PVEP POC cùng lãnh đạo giàn, tôi thường xuyên vận động, khích lệ người lao động phát huy hết khả năng của mình và nhiều giải pháp sáng kiến hữu ích đã được áp dụng phục vụ công việc một cách hiệu quả.
Theo đó phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng sâu rộng, mang lại những hiệu quả thiết thực như đưa giếng 5P vào khai thác bằng phương án bơm tuần hoàn dầu thô có xử lý hóa phẩm để giảm nhiệt độ đông đặc của dầu, hạn chế parafin trong đường ống; Hoán cải, nâng cấp hệ thống xả nước giúp nâng cao chất lượng dầu thương phẩm, đảm bảo an toàn môi trường và tiết kiệm chi phí nung dầu thương phẩm; Hoán cải lắp đặt bổ sung cụm khí nitơ đảm bảo nguồn khí cung cấp cho hệ thống điều khiển giàn WHP DH2; Thay van xả nước la canh đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giàn; Hoán cải đường nước cứu hỏa đưa sang DH2 phục vụ công việc sinh lửa và rửa đường ống dẫn dầu khi cần thiết trong trường hợp khẩn cấp; Hoán cải thay mới hệ thống treo đỡ cụm điều khiển các giếng ngầm, duy trì giếng hoạt động liên tục, an toàn góp phần gia tăng sản lượng khai thác… được lãnh đạo PVEP POC và PVEP ghi nhận đánh giá cao, càng tạo động lực để anh em kỹ sư trên giàn đam mê sáng tạo.
Trong đó giải pháp “Hoán cải hệ thống xả nước thải sản xuất” đã giảm thiểu chi phí nung dầu nâng cao chất lượng dầu thương phẩm, đảm bảo an toàn môi trường và thu hồi dầu từ nước thải sản xuất. Việc phục hồi thay thế cụm treo đỡ đường ống điều khiển cho 6 giếng cũ có ý nghĩa rất lớn trong việc vận hành giếng đảm bảo an toàn và góp phần đảm bảo sản lượng khai thác chung của công ty và của ngành Dầu khí. Trong bối cảnh tài nguyên đang dần cạn kiệt, công tác tìm kiếm thăm dò giếng mới ngày càng khó khăn, thì việc phục hồi duy trì các giếng cũ có thiết bị đã quá hạn vận hành càng trở nên có ý nghĩa.
Trong hơn 10 năm công tác ở PVEP POC, hơn 7 năm ở vị trí giàn trưởng, tôi thật sự hạnh phúc khi mỏ Đại Hùng luôn được lãnh đạo các cấp quan tâm, bảo vệ và chia sẻ. Xa hơn vùng mỏ Đại Hùng còn có các chiến sĩ trên giàn DK-01 đang ngày đêm vật lộn với sóng biển và bao khó khăn khác để bảo vệ vùng biển của Tổ quốc nên những vất vả của người lao động ở Đại Hùng chẳng thấm vào đâu so với các chiến sĩ hải quân.
Tăng Văn Đồng
Giàn trưởng Giàn Đại Hùng 01