Đây là ý kiến khẳng định của các chuyên gia thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương tại buổi Tọa đàm khoa học “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ trương, chính sách Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được tổ chức tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).
Tham dự Tọa đàm, về phía Hội đồng Lý luận Trung ương có GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Phạm Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội đồng; cùng các chuyên gia cao cấp, thư ký khoa học thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương.
Về phía Petrovietnam có đồng chí Hoàng Quốc Vượng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV; cùng các đồng chí lãnh đạo trong HĐTV, Ban Tổng Giám đốc, lãnh đạo các Ban chuyên môn Tập đoàn, đại diện lãnh đạo các đơn vị PVEP, PV GAS, PV POWER.
Khai mạc Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết Tọa đàm nhằm mục đích giúp Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu xây dựng báo cáo tư vấn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư về “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về chủ trương, chính sách Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” phục vụ Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII. Để thực hiện nhiệm vụ trên, đoàn công tác của Hội đồng đã cùng với Petrovietnam tổ chức Tọa đàm khoa học nhằm nghiên cứu, khảo sát thực tế, đồng thời trao đổi với các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia tại Petrovietnam.
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn cũng đề nghị tại Tọa đàm, bên cạnh việc nghiên cứu, khảo sát thực tiễn nổi bật trong quá trình hoạt động, hai bên sẽ cùng trao đổi, thảo luận về những điểm nghẽn, vướng mắc, các vấn đề đặt ra trong việc thực hiện, chủ trương, chính sách CNH-HĐH đất nước của Tập đoàn. Bên cạnh đó, Hội đồng Lý luận Trung ương cũng mong muốn nhận được những đề xuất về những quan điểm mới, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá phù hợp với chủ trương, chính sách CNH- HĐH đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Trong những năm qua, Petrovietnam luôn tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Tập đoàn luôn chủ động tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng và Chính phủ đối phó với những biến động phức tạp của nền kinh tế đất nước. Các sản phẩm chủ yếu của Tập đoàn như dầu thô, xăng dầu, đạm, điện, khí, LPG... đã và đang góp phần tích cực chủ động bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, Petrovietnam còn là doanh nghiệp tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Với trách nhiệm của mình, Petrovietnam đã đóng góp xứng đáng, thiết thực vào công tác an sinh xã hội. Giai đoạn 2006-2021, toàn Tập đoàn thực hiện công tác an sinh xã hội với tổng số tiền trên 7.233 tỷ đồng, riêng năm 2021 trên 1.000 tỷ đồng.
Nghị quyết 41 ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị đã đánh giá “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp chủ lực của ngành Dầu khí đã có những bước phát triển vượt bậc, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đi đầu trong mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia có hiệu quả bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông và giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.”
Cũng tại buổi Tọa đàm, đại diện các đơn vị PVEP, PV GAS và PV POWER đã trình bày các báo cáo: “Các cơ chế chính sách của Nhà nước tạo điều kiện cho lĩnh vực E&P phát triển”; “Đề xuất các cơ chế chính sách phát triển thị trường LNG”; “Công tác tối ưu hóa các hoạt động sản xuất theo xu hướng xanh hóa nhà máy đảm bảo thích nghi và phù hợp với tốc độ chuyển dịch năng lượng”.
Các chuyên gia thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương và lãnh đạo Tập đoàn đã tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề thực tiễn trong hoạt động của Tập đoàn cũng như các giải pháp, định hướng phát triển trong thời gian tới của Petrovietnam phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng.
Thông qua các ý kiến trao đổi, thảo luận, các chuyên gia thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương đều đánh giá cao vị trí, vai trò quan trọng, then chốt của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong quá trình CNH-HĐH đất nước trong những năm qua, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
TS. Phùng Quốc Hiển - Chuyên gia cao cấp Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng trong quá trình CNH-HĐH đất nước những năm tới cần xác định rõ mục tiêu, kế hoạch phát triển từng giai đoạn. Trong đó, cần phải có giải pháp đột phá về khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời khuyến khích năng lực sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước như Petrovietnam, để khuyến khích năng lực sáng tạo của doanh nghiệp cần có cơ chế, chính sách để bảo vệ những sáng tạo đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp nhà nước có đủ điều kiện phát triển.
Theo TS. Cao Đức Phát - Phó Trưởng tiểu ban Kinh tế Hội đồng Lý luận Trung ương đánh giá Petrovietnam giữ 3 vai trò quan trọng đó là đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, những nhiệm vụ này đòi hỏi Petrovietnam trong thời gian tới cần tập trung phát triển những lợi thế, tận dụng cơ hội, phát huy hơn nữa năng lực của doanh nghiệp, bắt kịp với xu hướng chuyển dịch năng lượng cũng như thực hiện tốt định hướng phát triển Tập đoàn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia trong đoàn công tác cũng đề nghị Petrovietnam đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho Tập đoàn cũng như các doanh nghiệp thành viên, từ đó giúp đoàn công tác có những ý kiến tham mưu chính xác, hiệu quả, phù hợp để báo cáo, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, thực hiện tốt chủ trương, chính sách CNH-HĐH những năm tiếp theo.
Tại buổi Tọa đàm, lãnh đạo Petrovietnam đã trình bày báo cáo tổng hợp “Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước”. Trải qua hơn 60 năm khởi nguồn, 47 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác - phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực đất nước. Trong mọi hoàn cảnh, Petrovietnam luôn hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đóng góp lớn cho Ngân sách, cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Petrovietnam đã hoàn chỉnh mô hình Tập đoàn, thực hiện thành công tái cơ cấu doanh nghiệp, triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số. Đồng thời, xây dựng được đội ngũ những người làm Dầu khí hùng hậu với số lượng hiện có là gần 60 nghìn lao động, trên 5.500 người có trình độ trên đại học, trên 25.500 người có trình độ đại học, cao đẳng và trên 25.000 công nhân lành nghề, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng cảm ơn những ý kiến đánh giá, chia sẻ với Petrovietnam của các chuyên gia thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương. Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành Dầu khí tiếp tục giữ vai trò là ngành kinh tế thiết yếu với nền kinh tế quốc dân. Mục tiêu tổng quát trong chiến lược phát triển của Petrovietnam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành tập đoàn năng lượng hàng đầu đất nước và khu vực; có vị trí và vai trò nòng cốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Lãnh đạo Tập đoàn mong muốn thông qua buổi Tọa đàm, Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ có ý kiến tham mưu, tư vấn cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư có những cơ chế tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho ngành Dầu khí tiếp tục đồng hành cùng sự nghiệp CNH-HĐH đất nước trong giai đoạn mới.
Kết luận buổi Tọa đàm, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn nhất trí với các ý kiến, trao đổi, thảo luận, kiến nghị tại Tọa đàm. Đoàn công tác sẽ tiếp thu các ý kiến và đưa vào báo cáo tư vấn. GS.TS Nguyễn Quang Thuấn lần nữa nhấn mạnh Petrovietnam, ngành Dầu khí Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, đây là ngành kinh tế vừa là nền tảng, vừa là then chốt trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, chủ quyền quốc gia vì vậy phải có cơ chế chính sách thỏa đáng, phù hợp cho các doanh nghiệp nhà nước như Petrovietnam có đủ điều kiện phát triển, tạo động lực cho nền kinh tế.
Trong thời gian tới, GS. TS Nguyễn Quang Thuấn mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp, trao đổi từ Petrovietnam và các đơn vị thành viên để hoàn thành báo cáo tư vấn đầy đủ, khách quan, nhiều chiều, mang lại hiệu quả cao nhất.
Theo PVN.VN