close

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng: đây là lúc cần thể hiện ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của Người dầu khí!

Nhân dịp Kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí (27/11/1961-27/11/2016), thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi xin gửi tới toàn thể lãnh đạo và người lao động của Tập đoàn lời chúc sức khỏe, chúc các đồng chí tiếp tục xây dựng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và xứng đáng với vai trò là một tập đoàn kinh tế chủ lực.
 55 năm qua, thực hiện mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ người lao động của Tập đoàn Dầu khí đã nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua biết bao khó khăn, thách thức để xây dựng nên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.

Sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã chứng minh một cách thuyết phục rằng: Nếu chúng ta đoàn kết, khơi dậy được tiềm năng của người lao động, có những cơ chế chính sách phù hợp thì dù nhiệm vụ khó khăn đến mấy cũng hoàn thành.

55 năm qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam từ vị trí là “người học việc”, “người làm thuê” cho các công ty dầu khí nước ngoài đã vươn lên làm chủ được nhiều công việc khó khăn của nghề thăm dò, khai thác, tàng trữ, vận chuyển và chế biến dầu khí. Việc nghiên cứu, chế tạo thành công những giàn khoan tự nâng như Tam Ðảo 03, 05; xây dựng và vận hành những dự án như Biển Ðông 01; vận hành và bảo đảm an toàn cho Khu Lọc hóa dầu Dung Quất; xây dựng và vận hành an toàn các nhà máy điện chạy khí, rồi các nhà máy sản xuất phân bón… là minh chứng cho những quyết tâm, nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, quản lý và người lao động Dầu khí.

11_2016_1480053683

Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng kiểm tra công tác thi công trên công trường

Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí đã quản lý được 5 lĩnh vực cơ bản: thăm dò, khai thác; công nghiệp khí; công nghiệp điện; công nghiệp chế biến và dịch vụ kỹ thuật cao.

Hằng năm, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của đất nước.

Trong những năm qua, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt gần 310 tỉ USD, luôn duy trì mức tăng trưởng trung bình 15-20%/năm; Nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 92 tỉ USD, chiếm trung bình 20% tổng thu ngân sách Nhà nước hằng năm.

Ðó là những thành quả mà người lao động Dầu khí hoàn toàn có quyền tự hào.

Năm 2015 và 10 tháng đầu năm 2016, mặc dù đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng Tập đoàn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó các chỉ tiêu sản xuất đều đạt cao so với kế hoạch đề ra như: Khai thác dầu năm 2015 vượt 11,6%, 10 tháng đầu năm 2016 vượt 7% so với kế hoạch; Khai thác khí năm 2015 vượt 9%, 10 tháng đầu năm 2016 vượt 15%… Sản xuất điện, phân đạm, sản xuất xăng dầu đều tăng cao.

Năm 2016 là một năm đặc biệt khó khăn không chỉ đối với riêng Tập đoàn Dầu khí mà còn với nhiều ngành, nghề kinh tế khác. Trong bối cảnh không thuận lợi về kinh tế thế giới, giá dầu suy giảm mạnh, diễn biến khó lường, việc khai thác dầu khí không thuận lợi (trữ lượng một số mỏ đã giảm sút, chất lượng dầu ở một số giếng cũng suy giảm; không ít giếng dầu có giá thành khai thác cao hơn giá bán…) nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của năm 2016 trước thời hạn. Ðặc biệt, Tập đoàn thực hiện hoàn thành nhiệm vụ khai thác thêm 1 triệu tấn dầu được Chính phủ giao.

Tôi được biết, để khai thác thêm 1 triệu tấn dầu, Tập đoàn đã có rất nhiều những giải pháp hay, sáng tạo. Tập đoàn cũng đã thực hiện tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả quản lý để giảm chi phí, từ đó hạ giá thành khai thác. Ðây chính là biểu hiện rõ nhất cho ý thức trách nhiệm cao của người Dầu khí đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

Thời gian này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang trải qua những khó khăn chưa từng thấy, trong đó có những nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân khách quan lớn nhất đó là, giá dầu suy giảm một cách tiêu cực và kéo dài đã ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Cuộc cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ ngày càng khốc liệt, trong khi đó tiềm lực của chúng ta còn yếu, sức cạnh tranh còn hạn chế. Cho nên, để vượt qua những khó khăn khách quan ấy là không đơn giản. Và chính thời điểm này, cũng đã bộc lộ những hạn chế, tồn tại mà ngành Dầu khí phải khắc phục để vượt qua.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng khó khăn như hiện nay. Một số dự án được Tập đoàn Dầu khí đầu tư lớn trong những năm trước đây đã không phát huy hiệu quả, dẫn đến sản xuất bị đình trệ, thua lỗ kéo dài. Thậm chí, có dự án đứng trước nguy cơ phá sản. Bên cạnh đó không thể không nói đến việc một số lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn, các đơn vị thành viên có những sai phạm nghiêm trọng, phải xử lý bằng pháp luật… Những việc này đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, tác động không tốt đến tâm tư, tình cảm của người lao động Dầu khí và đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tuy nhiên, đây không phải là lúc chúng ta chỉ ngồi than vãn về những khó khăn, không phải là lúc chúng ta chỉ ngồi trách cứ hoặc đổ lỗi cho nhau!

Quan trọng nhất bây giờ, theo tôi, là phải hành động, không vì khó khăn mà nhụt chí.

Phải đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ, vì sự phát triển của Tập đoàn, vì sự phát triển của đất nước; phải thẳng thắn, khách quan phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp phù hợp nhất để khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém. Phải nghiêm khắc rút ra những bài học để khắc phục những sai lầm.

Mặt khác, tập thể lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, lãnh đạo các đơn vị thành viên và toàn thể người lao động phải hiểu hết những khó khăn, thách thức mà Tập đoàn đang gặp phải; thấy rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan đang cản trở sự phát triển của Tập đoàn. Từ đó, phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể, để mỗi người lao động, mỗi tổ chức cơ sở đều có thể đóng góp để vượt qua khó khăn trước mắt, phát triển Tập đoàn bền vững, chắc chắn hơn trong tương lai.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tập đoàn và từng đơn vị thành viên phải rà soát lại các dự án đã, đang và chuẩn bị đầu tư để điều chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả dự án; nâng cao chất lượng các dự án chuẩn bị đầu tư; tăng cường quản lý, kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.

Tập đoàn cũng cần tích cực hơn nữa trong đổi mới công tác quản lý, tiết giảm chi phí để giảm giá thành đối với tất cả các khâu sản xuất và các loại sản phẩm dầu khí.

Với truyền thống 55 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, tôi tin tưởng rằng thế hệ lãnh đạo, quản lý, người lao động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hôm nay sẽ nỗ lực, cố gắng để vượt qua những khó khăn, thách thức; phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước để hoàn thành mọi nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, để đưa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển vững mạnh, xứng đáng là tập đoàn kinh tế chủ lực, góp phần phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trịnh Đình Dũng

Ủy viên BCH Trung ương Đảng

Phó Thủ tướng Chính phủ