close

Rực rỡ những “bông hồng” PVN

Đằm thắm, dịu dàng và tràn đầy nhiệt huyết, những “bông hồng” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) luôn sẵn sàng nhập cuộc mọi lĩnh vực, kể cả nơi tưởng như là lãnh địa riêng của nam giới là nghiên cứu khoa học. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi lại những phát biểu đầy “chất lửa” của các tấm gương tiêu biểu trong phong trào nữ cán bộ, công nhân lao động giai đoạn 2013-2018.

3

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Hùng Dũng

Để phát huy nguồn lực của lao động nữ ngành Dầu khí, bổ sung vào phương hướng nhiệm vụ công tác nữ trong giai đoạn tiếp theo, tôi gợi mở một số vấn đề sau:

Thứ nhất, công tác nữ công là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và của từng gia đình. Lựa chọn, giới thiệu những chị em có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy, tham gia lãnh đạo, quản lý, tạo điều kiện cho họ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của ngành Dầu khí.

Thứ hai, Ban Nữ công của các công đoàn cơ sở phải làm tốt công tác tham mưu; không ngừng củng cố, kiện toàn Ban Nữ công công đoàn các cấp; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ công có đủ năng lực, trình độ, nhiệt tình tâm huyết, có bản lĩnh chính trị để hướng dẫn, chỉ đạo phong trào và thu hút đông đảo nữ cán bộ tham gia.

Thứ ba, các chị em cần chủ động trong việc trang bị cho mình kiến thức, trình độ chuyên môn, sẵn sàng vượt qua khó khăn để khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đơn vị, trong hoạt động chuyên môn, công tác đoàn thể và trên hết là phải có những hoạt động cống hiến cho sự nghiệp của phát triển của ngành Dầu khí.

Thứ tư, Ban Nữ công các đơn vị cần tích cực tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự hỗ trợ của lãnh đạo chuyên môn; cần cụ thể hóa nội dung hoạt động cho sát với thực tiễn; việc triển khai thực hiện phải có trọng tâm, trọng điểm; dù hoạt động dưới hình thức nào cũng cần gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị và làm động lực thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chung của toàn ngành.

Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan:


Trong nhiệm kỳ 2013-2018, phong trào nữ công đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, trong quản lý, trong công tác công đoàn, đoàn thể và trong lao động sản xuất, góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và sự lớn mạnh của phong trào CNVCLĐ cả nước.

Lương Thị Hồng Nhung, Trưởng ban Nữ công CĐ DKVN: Phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của phụ nữ 

 

Để phát huy sức mạnh trí tuệ, sức sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết của đội ngũ nữ cán bộ, công nhân, lao động (CBCNLĐ), trong 5 năm qua, Công đoàn Dầu khí Việt Nam (CĐ DKVN) và các cấp công đoàn đã tập trung triển khai hiệu quả nhiều phong trào thi đua trong nữ CBCNLĐ thu hút đông đảo chị em tham gia như: Thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình no ấm hạnh phúc”… Qua các phong trào này, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, trong quản lý, trong công tác công đoàn, đoàn thể và trong lao động sản xuất, góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất kinh doanh của PVN.

Đã có rất nhiều hoạt động thiết thực để tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong nữ CBCNLĐ. Từ năm 2013-2018, ngành Dầu khí liên tục duy trì tốt hoạt động này, đặc biệt năm 2015, tổ chức rất thành công Lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân nữ xuất sắc trong các phong trào và yết kiến Chủ tịch nước; năm 2016 tổ chức cho các đại biểu xuất sắc thăm và gặp gỡ lãnh đạo Quốc hội; 2017 tổ chức tuyên dương và hành trình giáo dục truyền thống với chủ đề “Phụ nữ Dầu khí với biển đảo quê hương và tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng tại miền Trung và nhiều hoạt động ý nghĩa khác…
Lê Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Kinh tế – kế hoạch, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro: Phụ nữ không thua kém nam giới trong nghiên cứu khoa học

7

Trong hơn 27 năm công tác tại Vietsovpetro, tôi có điều kiện học hỏi kinh nghiệm tại nhiều vị trí làm việc từ công tác nghiên cứu khoa học đến lĩnh vực kinh tế, kế hoạch.

Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Vietsovpetro cùng với sự ủng hộ giúp đỡ của các đồng nghiệp, ngoài việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, tôi đã dành nhiều thời gian tham gia và là đồng tác giả của các công trình khoa học, sáng kiến cấp Liên doanh, cấp Tập đoàn, mang tính ứng dụng cao của Vietsovpetro. Đặc biệt, trong tháng 1-2017, tôi đã cùng đồng nghiệp vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh với cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam”.

Để phục vụ công tác khai thác dầu khí từ các mỏ Vietsovpetro, nhóm tác giả cụm công trình đã đưa ra một tổ hợp các giải pháp công nghệ giải quyết khó khăn trong quá trình thu gom, xử lý và vận chuyển sản phẩm khai thác được và áp dụng thành công phù hợp cho từng thời kỳ và điều kiện cụ thể. Cụm công trình đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Các giải pháp của cụm công trình đã mang lại khoản chi phí tiết kiệm được hơn 37 triệu USD mỗi năm so với việc thực hiện theo các giải pháp truyền thống. Hiệu quả của cụm công trình vẫn tiếp tục mang lại sau năm 2014 cho đến nay. Các giải pháp này còn được áp dụng để phát triển thành công các mỏ nhỏ, cận biên.

Phó tổng giám đốc – Trưởng ban VSTBPN PVN Đỗ Chí Thanh trao kỷ niệm chương cho 3 nữ cán bộ xuất sắc trong nghiên cứu khoa học

Ở Vietsovpetro cũng như các đơn vị khác trong ngành Dầu khí, số lượng phụ nữ được lãnh đạo tin tưởng giao đảm nhiệm các vị trí quản lý và tham gia công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến sáng chế ngày càng nhiều. Tôi luôn tin rằng, phụ nữ không thua kém nam giới trong công tác nghiên cứu khoa học. Kính mong các vị lãnh đạo tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ chị em phụ nữ phát huy năng lực bản thân nhiều hơn nữa. Chúng tôi, những người phụ nữ, xin hứa đoàn kết nhất trí, năng động và sáng tạo, tìm tòi các ý tưởng mới, nâng cao chất lượng công việc của mình, cùng nhau góp sức cho công cuộc xây dựng ngành Dầu khí nói riêng và đất nước chúng ta ngày càng giàu đẹp hơn như mong ước của Bác Hồ kính yêu.

Dương Thị Ngọc Hà, Trưởng ban Nữ công Nhà máy Đạm Phú Mỹ: Giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết

1

Công tác nữ công thoáng nghe qua thật đơn giản và không có gì đặc biệt, nhưng trên thực tế, với bối cảnh Tập đoàn Dầu khí đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí của chúng tôi cũng không ngoại lệ, thế nên để duy trì các hoạt động phong trào nữ công mà không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh đã là điều rất khó khăn. Vấn đề là làm thế nào để tổ chức những hoạt động nữ công thật thiết thực, ý nghĩa, tiết kiệm mà lại còn luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết của chị em?

Trước tiên cần tuyên truyền, động viên thường xuyên đối với các chị em tham gia phong trào nữ công từ thủ lĩnh của các tổ nữ công, đến từng chị em để quy tụ mọi người, truyền lửa cho từng CBCNV nữ. Trong mỗi đợt tuyên truyền, hội họp luôn đặt ra các thông điệp có ý nghĩa, khả năng truyền tải cao, đơn giản, dễ nhớ, gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy. Điều này sẽ nhận được sự ủng hộ từ các cấp lãnh đạo, đồng thời tạo sự gắn kết với tập thể làm việc.

Tiếp đến phải luôn đổi mới, sáng tạo, hình thức tổ chức đa dạng, phong phú: Tập hợp kho ý tưởng từ các hạt nhân phong trào của các tổ nữ công. Tổ chức làm việc theo nhóm, trưng cầu ý kiến để đưa ra chương trình phù hợp và được mọi người hưởng ứng nhất. Luôn chú trọng và đề cao công tác tiết kiệm, bảo vệ môi trường như tận dụng những thứ có sẵn như giấy, bao bì, nilon, các dụng cụ, chai lọ thí nghiệm…

Mặt khác, cần luôn đề cao tinh thần tập thể. Mỗi chương trình của chúng tôi luôn có rất ít giải thưởng dành cho cá nhân, mà hầu hết các giải thưởng đều mang tính tập thể để tạo tinh thần đoàn kết gắn bó với nhau giữa các chị em. Chúng tôi luôn có giải thưởng đặc biệt dành cho tổ nữ công có tỷ lệ người tham gia đông nhất.

Một điểm đáng chú ý nữa là chúng tôi luôn chú trọng công tác tri ân, tiếp nối truyền thống trong các phong trào nữ công bằng cách luôn mời các chị đã nghỉ hưu tham gia trong mọi sự kiện. Đây chính là những chị nhiệt tình tham gia nhất, là nhân tố khơi dậy ngọn lửa, truyền đạt các kinh nghiệm quý báu cho các chị em trẻ tuổi.

Cuối cùng, các chương trình, phong trào của Nhà máy Đạm Phú Mỹ luôn được tự tổ chức thực hiện. Ở đây cần nói thêm rằng, nếu như thuê đơn vị chuyên nghiệp làm có thể hay hơn, nhưng cái nhìn của chị em về chương trình sẽ khắt khe hơn. Khi người thực hiện là cán bộ Ban nữ công của Nhà máy thì chị em luôn thấy thân thương, gần gũi hơn, nên sẽ muốn tham gia hơn. Đồng thời, việc tự tổ chức sẽ giúp nhà máy tiết kiệm chi phí hơn mà vẫn đem lại hiệu quả cao.

Vì sao nhắc đến chị em Đạm Phú Mỹ là người ta luôn thấy ngọn lửa nhiệt tình rựa cháy, làm việc hết mình? Chúng tôi chỉ có thể giải thích đơn giản, đó là vì với chương trình nào chúng tôi cũng thực hiện theo 4 tiêu chí: thấu hiểu, thiết thực, sáng tạo và tâm huyết.

Lê Anh Thư, Trưởng ban Nữ công Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC): Tạo sự gắn kết đội ngũ nữ công nhân lao động

8

Ban Nữ công PTSC xác định rõ mục tiêu chính cho hoạt động nữ công là phải đổi mới nội dung, hình thức hoạt động phong phú, sáng tạo, hướng đến những hoạt động chăm lo đời sống tinh thần nhằm tạo điều kiện để đông đảo nữ CNLĐ từ 3 miền tham gia, có điểu kiện giao lưu, chia sẻ động viên nhau hoàn thành tốt công việc được giao cùng người lao động PTSC vượt qua giai đoạn khó khăn.

Để các hoạt động nữ công thiết thực, ý nghĩa hơn cần lồng ghép triển khai gây quỹ từ thiện, quỹ phụ nữ khó khăn của Ban để chủ động hơn trong việc thực công tác an sinh xã hội, từ thiện, đặc biệt là công tác an sinh nội bộ, tăng cường thăm hỏi, động viên phụ nữ PTSC, nhất là phụ nữ hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo vượt lên hoàn cảnh, hoàn thành tốt công việc được giao.

Ban Nữ công PTSC đã có những giải pháp cụ thể như bảo đảm các chế độ, chính sách, chăm lo đời sống tinh thần, khích lệ nữ CNLĐ gắn kết và hăng say lao động; triển khai gây quỹ từ thiện, quỹ phụ nữ khó khăn của Ban Nữ công PTSC.

Việc đổi mới, sáng tạo nội dung các hoạt động đã thực sự gây được ấn tượng và được sự ủng hộ nhiệt tình của ban lãnh đạo tổng công ty và các đơn vị, chính vì vậy việc triển khai gây quỹ thực sự mang lại hiệu quả và ý nghĩa. Trong toàn nhiệm kỳ, tổng kinh phí thăm hỏi, động viên nữ có hoàn cảnh khó khăn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo là 63.000.000 đồng. Những đóng góp dù nhỏ bé nhưng xuất phát từ những tấm lòng cao cả, dần tạo nên một sức mạnh tinh thần, một hoạt động giàu nhân văn, lan tỏa trong đội ngũ nữ CNLĐ và hoạt động này càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết trong việc chia sẻ, động viên cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tùng Dương