Bài 3: Trở lại đường ray phát triển
Hoạt động theo cơ chế thị trường và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động là cách duy nhất để doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tìm lại sức mạnh tiềm ẩn. Nhưng các doanh nghiệp cần cơ chế để thực hiện điều đó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nếu quản trị tốt hơn, đầu tư khoa học – công nghệ tốt hơn, DNNN sẽ đóng góp tốt hơn cho đất nước. Ảnh: Q.Hiếu
Nỗi lòng người đứng đầu
Khi đặt câu hỏi làm thế nào để khuyến khích lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo tại Hội nghị “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty”, tổ chức ngày 21/11, có thể ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) không chờ câu trả lời cụ thể, mà đặt ra một vấn đề thực sự lớn.
Ông Hùng kể, khi tiến hành tái cơ cấu VNPT 5 năm trước, nội bộ Tập đoàn có nhiều ý kiến khác, có cả ý chỉ cần làm một nửa mục tiêu. Thậm chí, để được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông ký trình Chính phủ thông qua Đề án Tái cơ cấu VNPT, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc phải cam kết từ chức nếu không thực hiện được.
“Tôi kể chuyện cũ để thấy, nếu chúng ta làm nửa vời, sẽ không có kết quả. Với lãnh đạo DNNN, việc chịu trách nhiệm là đương nhiên, nhưng để họ dám đổi mới, sáng tạo… không dễ”, ông Hùng thẳng thắn.
Nhưng chuyện cũ của VNPT lại là chuyện hiện tại của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Đề án Tái cơ cấu toàn diện PVN giai đoạn 2017 – 2025 đã được lãnh đạo PVN báo cáo Bộ Công thương 2 lần, đã hoàn chỉnh vài lần, nhưng đến giờ vẫn chưa lên tới bàn của Thủ tướng Chính phủ.
“PVN đã được chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban). Mong Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo để sớm báo cáo Thủ tướng, nhằm thực hiện kịp kế hoạch”, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch PVN kiến nghị.
Lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân sẽ khó chia sẻ những thách thức trên với lãnh đạo DNNN, khi trong tay họ có đủ cả trách nhiệm và quyền tự chủ trong kinh doanh, từ việc xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh, tới tuyển dụng, trả lương… Thách thức của lãnh đạp DNNN còn bị đẩy lên khi môi trường pháp lý đang trong giai đoạn thay đổi, hoàn thiện, cùng với các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, chưa kể rủi ro về thị trường, về môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt.
Kỷ luật thị trường không chỉ dành cho doanh nghiệp
Trước khi lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước bộc bạch tâm tư với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các phó thủ tướng, cũng như các bộ trưởng, các tư lệnh ngành có mặt tại Hội nghị trên, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã dành 5 phút đề nghị thay đổi cách giao chỉ tiêu cho DNNN.
“Thông qua Ủy ban, Chính phủ phải giao chỉ tiêu đủ cao cho DNNN, ít nhất là lợi nhuận phải cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng cùng thời điểm. Yêu cầu này sẽ gây áp lực cho cả cơ quan quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước và các doanh nghiệp trong mọi quyết định đầu tư. Vốn nhà nước sẽ chỉ dành cho doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao”, ông Cung đề xuất.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, CIEM đã dự liệu mức đủ cao. Có thể kể như VNPT và MobiFone phải tiếp cận chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành là Viettel (với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2017 đạt 33%). Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần ngành công thương như Vinachem, TKV, Vinatex, Petrolimex phải đạt được tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ít nhất ngang bằng mức trung bình của công ty cổ phần trong ngành, tức là khoảng 15 – 18%/năm…
Với quan điểm này, theo ông Cung, viễn cảnh DNNN sau một vài năm sẽ là những tập đoàn quy mô lớn nhất thế giới.
Vấn đề là, trách nhiệm sẽ không chỉ đặt lên vai những người được giao nhiệm vụ đứng đầu DNNN, vì còn những khiếm khuyết mang tính thể chế chưa để họ đảm đương các chỉ tiêu này. Lãnh đạo DNNN vẫn là công chức, viên chức, thay vì tuyển dụng theo thị trường, trả lương, thưởng theo hợp đồng. Hệ thống đánh giá hiệu quả vẫn theo cách năm sau cao hơn năm trước, thay vì các tiêu chí năng suất, chất lượng và hiệu quả… Đặc biệt, cơ chế giám sát DNNN kém hiệu quả.
Tháng 6/2018, CIEM công bố báo cáo chuyên đề về giám sát, đánh giá DNNN, phát hiện là vẫn chưa có một cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ và cập nhật về vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp cũng như danh mục đầy đủ các doanh nghiệp có vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước. Hằng năm, Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ xây dựng và báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có thống kê số doanh nghiệp và các chỉ số tài chính cơ bản của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có cổ phần nhà nước trên 50% của năm trước năm báo cáo.
Tuy vậy, nghiên cứu các báo cáo này từ năm 2011 đến nay và so sánh, đối chiếu với nhiều nguồn, như Tổng cục Thống kê, các chuyên gia nhận thấy số liệu thống kê này thiếu thống nhất. Số liệu doanh nghiệp đa sở hữu do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn lệ cũng tương tự. Đặc biệt, thông tin về doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50% vốn điều lệ rất hiếm.
Cho dù với nguyên nhân nào, việc thiếu cơ sở dữ liệu thống nhất, đầy đủ và cập nhật về vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, cùng danh mục đầy đủ các doanh nghiệp có vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước cũng làm cho chủ sở hữu nhà nước không có được công cụ thông tin để thực hiện tốt chức năng giám sát, cũng như điều chỉnh chính sách cho phù hợp và kịp thời. Hệ quả thấy ngay là không tận dụng, khai thác được, thậm chí bỏ qua, lãng phí một nguồn lực lớn của Nhà nước.
“Ông chủ doanh nghiệp tư nhân nào cũng biết rõ có bao nhiều tiền. Trong khi chủ sở hữu nhà nước lại không nắm rõ tài sản của DNNN là bao nhiêu, nằm ở đâu. Việc tính lại giá trị DNNN không thể chỉ làm khi cổ phần hóa như hiện tại”, ông Cung phân tích.
Kỳ vọng vào “siêu” Ủy ban
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được cả Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng và các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhắc tới nhiều lần. Đây là cơ quan ít tuổi nhất, mới được 10 tháng, nhưng đang gánh nhiều kỳ vọng nhất trong các bước đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN tới đây.
“Trước kia, lúc thì bộ làm đại diện chủ sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp, lúc thì giao Thủ tướng Chính phủ, rồi sau lại quay về bộ quản lý. Giờ có Ủy ban chung tay, Thủ tướng, các phó thủ tướng cũng đỡ lo. Đây không phải là cơ quan trung gian, làm khó doanh nghiệp, mà phải làm sao để doanh nghiệp phát triển xứng tầm, chứ không để doanh nghiệp teo tóp. Các bộ và Ủy ban phải phối hợp, cùng làm”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh với các lãnh đạo Ủy ban có mặt đầy đủ tại Hội nghị.
Thử phân tích mô hình giám sát PVN trước khi chuyển giao về Ủy ban, có thể giải thích sự trông đợi vào những thay đổi tới. Khi đó, Bộ Công thương là cơ quan đại diện chủ sở hữu – chủ trì đầu mối thực hiện giám sát giám sát, kiểm tra, thanh tra của chủ sở hữu nhà nước. Các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội, Nội vụ phối hợp thực hiện chức năng giám sát đối với các lĩnh vực liên quan, như tài chính; đầu tư; thực hiện chiến lược, mục tiêu; công tác cán bộ; lương, thưởng…
Mọi việc của PVN bị chia chẻ bởi các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ liên quan. Mỗi khi cần nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan quản lý tổ chức thu thập thông tin thông qua cơ chế báo cáo “đột xuất” hoặc đoàn công tác… Hệ quả là, nhiều sai phạm trong doanh nghiệp khi được phát hiện đã quá chậm…
Tình thế chắc chắn sẽ phải thay đổi. Ủy ban đã nhận đủ 19 tập đoàn, tổng công ty. Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cũng thông báo, về cơ bản, đã nắm được tình hình hoạt động của các doanh nghiệp.
“Hiện nay, Ủy ban đang thử nghiệm kết nối trực tiếp thông tin với các doanh nghiệp, hướng đến hệ thống vận hành tự động, xuyên suốt thông tin từ doanh nghiệp lên Ủy ban và có chia sẻ kết quả phân tích với các lãnh đạo từng doanh nghiệp. Từ nền tảng công nghệ đó, Ủy ban sẽ áp dụng các tiêu chí quản trị hiện đại vào các chỉ tiêu phân tích, đồng thời các doanh nghiệp sẽ áp dụng vào thực tế quản trị của mình, nhằm tăng cường tính minh bạch, kịp thời, hiện đại theo xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Việc phối hợp với các cơ quan liên quan cũng đã được xây dựng, mới nhất là Quy chế Phối hợp giữa Ủy ban và Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương.
Nhưng có lẽ, việc cần phải làm là để các DNNN thực sự khớp vào đường ray của cơ chế thị trường, có nghĩa là DNNN phải áp dụng thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế và được các tổ chức uy tín xếp hạng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng đã báo cáo với Thủ tướng rằng, các doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường và phải tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động.
Theo đó, quản lý của Nhà nước, của cơ quan chủ sở hữu và các bộ, ngành, cũng như chỉ đạo, điều hành của Hội đồng thành viên cũng phải theo cơ chế thị trường, chấp nhận sự biến đổi thất thường của thị trường, chấp nhận sự điều chỉnh và thích ứng linh hoạt trong hoạt động của doanh nghiệp…
Tất nhiên, nếu doanh nghiệp không thích ứng và điều chỉnh được với biến đổi của thị trường, thì phải tái cơ cấu, sắp xếp lại, thậm chí phải thay đổi người quản lý. Đó là quy luật tất yếu mà doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nếu muốn mạnh lên.
(Còn tiếp)
Khánh An (Đầu tư)