Những ngày giữa tháng 10-2021, trên biển Vũng Tàu, những kỹ sư Việt đã vận hành thành công robot lặn biển điều khiển từ xa “Quasar II-30”. Trị giá robot hiện đại này lên đến hơn 5 triệu đôla Mỹ, được sản xuất tại Anh đầu năm 2021.
Kỹ sư Lê Thiện Khang – xưởng trưởng xưởng vận hành và bảo dưỡng thiết bị ROV thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm (PTSC G&S) – cho biết Quasar II-30 là robot lặn biển điều khiển từ xa (Remotely Operated Vehicle – ROV) do Công ty Soil Machine Dynamic Ltd (SMD) sản xuất. SMD gắn thêm số đếm sau tên robot là để thể hiện số lượng robot được ra đời. Và đến nay, “Quasar II-30” là robot thế hệ thứ 2 mới nhất.
Quan sát Quasar II-30 đang trên mặt nước chuẩn bị cho lặn xuống sâu
Chạy thử thành công trong dông gió, biển động
Robot Quasar II-30 vừa được PTSC G&S nhập về là hiện đại nhất, với công suất 150 mã lực, lặn sâu tới 2.500m. Đặc biệt, robot này được trang bị công nghệ tối tân với tay máy 7 chức năng. Kỹ sư Khang cho biết tay máy gắp được quả trứng không vỡ. Hệ thống lái tự động của robot giúp nó đứng yên, ổn định dưới nước để các kỹ sư tác nghiệp những việc đòi hỏi sự chính xác cao dưới nước như: vặn van, siết ốc, đo đạc…
Chúng tôi theo tàu “Dầu khí 105” ra biển để chứng kiến robot Quasar II-30 chạy thử. Đây là chuyến đi khá đặc biệt bởi lần đầu tiên các kỹ sư người Việt của PTSC G&S tự thực hiện đấu nối và vận hành robot lặn biển tối tân, hiện đại. Trước đây, những việc thế này bắt buộc phải có sự hướng dẫn trực tiếp của chuyên gia nước ngoài do nhà sản xuất cử sang.
Trước khi đưa robot xuống biển, êkip kỹ sư PTSC G&S cẩn thận kiểm tra từng chi tiết nhỏ nhất. Ngồi trên ghế lái chính trong cabin điều khiển là kỹ sư Phạm Ngọc Đức Trí. Ngoài boong tàu là kỹ sư Mai Thế Hùng đang cầm bàn điều khiển thả và thu hồi robot. Hai người kết nối với nhau bằng thiết bị liên lạc chuyên dụng: “Camera – ok”, “Toàn bộ clear – khởi động motor”, “Cho thủy lực lên một chút – toàn bộ chân vịt hoạt động tốt”, “Tay máy đã sẵn sàng”…
Khi mọi thông số hiển thị trên màn hình đều ở chế độ màu xanh – tức là đã an toàn, từ boong tàu robot được cẩu lên nhẹ nhàng và thả từ từ xuống biển. Theo độ dài của dây cáp được nhả ra, “Quasar II-30” chìm dần dưới biển.
Lúc này, từ trong phòng điều khiển, kỹ sư Trí kiểm tra một lần nữa các chức năng vận hành dưới nước của robot. Khi mọi thứ đã “OK”, robot tách mình ra khỏi “chuồng” và bắt đầu “bơi”.
Bảy chân vịt của robot có tác dụng lái chèo đưa nó lên – xuống sang phải – trái bắt đầu quay theo sự điều khiển của “phi công” Trí. Gần 10 chiếc camera gắn xung quanh robot truyền hình ảnh từ lòng biển về các màn hình trong cabin. Những chiếc đèn led trên đầu các camera cũng được bật sáng làm cho hình ảnh càng thêm rõ. Hệ thống quét báo hiệu vật cản xung quanh robot cũng được bật lên và truyền tín hiệu nhận dạng về cabin.
Sau khoảng một giờ “bơi lội” giữa biển Vũng Tàu, Quasar II-30 được điều khiển về “chuồng”. Bất ngờ biển Vũng Tàu nổi dông gió, mưa lớn. Nước biển đục ngầu, hình ảnh camera truyền về chỉ là li ti cặn bùn lơ lửng. Vì không thể thấy được dây cáp của robot, nên việc lái Quasar II-30 khớp vào hệ thống gặp chút khó khăn. Tuy vậy, chỉ sau 10 phút, kỹ sư Trí đã đưa được robot vào “chuồng” an toàn. Buổi chạy thử robot thành công.
Màn hình điều khiển hiển thị hình ảnh dưới biển do robot truyền về và các thông số kỹ thuật
Từ người phụ việc thành người làm chủ
Với khả năng khảo sát, bảo dưỡng và sửa chữa, lắp ráp các công trình dưới biển, ROV là thiết bị không thể thiếu trong ngành dầu khí. Các kỹ sư cho biết ban đầu ROV chỉ đơn giản là lặn xuống biển để quay phim, chụp hình, truyền dữ liệu về để phát hiện các khuyết tật, hư hỏng của đường ống, chân đế. Nhưng ngày nay, ROV có thể làm được những công việc của con người như vặn – mở van, siết ốc…
Kỹ sư Khang cho biết với cánh tay máy có 7 chức năng, hoạt động mô phỏng theo cánh tay của con người, Quasar II-30 vặn mở hay khóa van chính xác đến từng milimet. “Bàn tay con người không thể vặn mở có độ chính xác đến từng milimet. Con người không thể vừa lặn sâu hàng trăm mét, vừa làm việc, thao tác dưới độ sâu này. Trong khi đó, Quasar II-30 làm việc dưới nước hàng tuần, độ sâu lên đến hàng ngàn mét và không bị hạn chế, nguy hiểm. Do đó, ROV rất quan trọng trong ngành dầu khí”, kỹ sư Khang nói.
Từ năm 1999, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC – công ty mẹ của PTSC G&S, thuộc Petro Việt Nam) đã có những bước đi đầu tiên để tiếp cận kỹ thuật và dịch vụ ROV. Ban đầu chỉ là thuê thiết bị của nước ngoài để làm dịch vụ cho các nhà khai thác dầu khí, các chủ mỏ tại Việt Nam.
Lúc đó, việc “lái” ROV dưới biển chỉ dành cho chuyên gia nước ngoài, những kỹ sư Việt Nam chỉ là người đi phụ việc. Nhưng chính quá trình phụ việc “training on job” ấy, kỹ sư Việt được cọ xát, được trực tiếp thấy các chuyên gia nước ngoài vận hành ROV. Nhờ đó trình độ, kỹ năng lái ROV của các kỹ sư Việt Nam nhanh chóng được cải thiện.
Đến năm 2004, PTSC đã mua sắm được thiết bị ROV đầu tiên có tên “Panther Plus 911”. Với tinh thần tự học hỏi và tham gia các lớp huấn luyện với chuyên gia nước ngoài, chỉ vài năm sau các kỹ sư Việt đã tự vận hành, bảo dưỡng được thiết bị ROV. Từ cuối năm 2006 đến nay, dịch vụ ROV của PTSC đã trúng những gói thầu lớn của các doanh nghiệp dầu khí hoạt động tại Việt Nam.
Trở lại với câu chuyện của Quasar II-30. Ban đầu, theo kế hoạch và cam kết của nhà sản xuất, các kỹ sư Việt sẽ sang Anh để làm quen với thiết bị. Hoặc nhà sản xuất sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam huấn luyện cho kỹ sư Việt Nam. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 nên cả hai phương án không thể thực hiện được, dù robot đã về Việt Nam từ tháng 4.
Để đưa Quasar II-30 vào khai thác thương mại sớm, không thể chờ sự huấn luyện của chuyên gia nước ngoài, các kỹ sư của PTSC G&S đã tự nghiên cứu, đọc hàng ngàn trang tài liệu hướng dẫn. Rồi tự họ đấu nối, vận hành chạy thử robot. “Nhóm kỹ sư êkip vận hành ROV của chúng tôi đã tự nghiên cứu, tự đọc hàng ngàn trang tài liệu bằng tiếng Anh của nhà sản xuất. Có gì thắc mắc, trục trặc, chúng tôi phải gọi sang nhà sản xuất để hỏi” – kỹ sư Trí nói.
Sau nhiều tháng tự nghiên cứu, các kỹ sư đã tự tích hợp, đấu nối các thành phần riêng lẻ để Quasar II-30 trở thành một cỗ máy vận hành thông suốt. Và đến giữa tháng 10-2021, robot đã chạy thử thành công bởi chính bàn tay, khối óc kỹ sư Việt Nam.
“Còn gì vui bằng việc tự anh em chúng tôi đã làm chủ được công nghệ, tự vận hành được một thiết bị hiện đại như Quasar II-30” – kỹ sư Khang vui mừng chia sẻ.
Không được phép sơ suất
Theo các kỹ sư, “phi công” ROV cần có nhiều kiến thức tổng hợp cùng lúc là điện tử, tự động, thủy lực, cơ khí. Và để lái an toàn ROV, “phi công” cần có hai yêu cầu đặc biệt là đa nhiệm và nhận thức không gian. Điều khiển ROV để sửa chữa, thay thế các cấu kiện của thiết bị dầu khí dưới biển rất cần sự khéo léo, chính xác của “phi công”. Vì chỉ cần một sơ suất làm không chuẩn, không chính xác thì sự cố có thể phải trả giá bằng triệu, nhiều triệu đôla Mỹ.
Vận hành robot
ROV Quasar II-30 là một tổ hợp gồm một phòng điều khiển đặt trên sàn tàu với cả chục màn hình hiển thị các thông số của robot cùng hai ghế có tích hợp chức năng “lái” cho các kỹ sư. Phòng điều khiển này được kết nối với robot dưới biển thông qua hai hệ thống dây điều khiển chuyên dụng.
Trong đó dây từ phòng điều khiển đến “chuồng” của robot là loại dây vừa truyền được tín hiệu vừa chịu được các lực tác động có tên tiếng Anh là “Umbilical”. Sợi dây chuyên dụng này vừa dùng để thả – thu hồi, nâng – hạ robot vừa cho phép truyền tải điện áp cao lên tới 3.000 volt, đồng thời có tác dụng truyền – nhận dữ liệu khảo sát từ robot dưới nước lên phòng điều khiển.
Theo Tuổi Trẻ Online ngày 28/10/2021