close

Phát triển ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Sáng ngày 14/6/2023, trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2023 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo chuyên đề “Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Hội thảo do Ban Kinh tế trung ương chủ trì tổ chức, với sự tham dự của TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban tổ chức diễn đàn; bà Ngô Thúy Quỳnh - Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương); ông Nguyễn Tiến Tài - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ); ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng - Môi trường; PGS.TS Phạm Hoàng Lương - Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ Quốc tế Việt Nam - Nhật Bản; cùng các chuyên gia quốc tế và trong nước, các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của BCH Trung ương khóa XII về "Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045“ đã xác định công nghiệp năng lượng là một trong 6 ngành nền tảng, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp năng lượng mới. Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp năng lượng Việt Nam cũng đang gặp những thách thức không hề nhỏ. 
Chính vì vậy, TS. Nguyễn Đức Hiển mong muốn sự kiện này sẽ là diễn đàn để các đại biểu, các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng; các cơ chế, chính sách để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chuyển đổi năng lượng sạch. Thảo luận, đề xuất một số giải pháp công nghệ mới cho năng lượng sạch, nhất là điện mặt trời áp mái.

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc hội thảo

Đồng thời, đánh giá đúng năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển các phân ngành năng lượng, kể cả doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp của tư nhân trong phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió - cả trên bờ và ngoài khơi, năng lượng sinh khối thay thế một phần cho than đối với các nhà máy nhiệt điện...). Đề xuất các cơ chế, chính sách để phát triển ngành công nghiệp năng lượng cả ở thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn, đáp ứng nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Từ đó, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại hội thảo, các lãnh đạo và đại biểu đã được lắng nghe nhiều báo cáo trình bày đến từ một số đơn vị, tổ chức, điển hình như báo cáo “Kinh nghiệm quốc tế trong thúc đẩy chuyển dịch năng lượng và Khuyến nghị cho Việt Nam” của ông Mark Hutchinson - Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á, Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC).

Theo ông Mark Hutchinson, dự báo trong 5 năm tới, điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi đều tăng trưởng rất mạnh. Ưu điểm ở đây là tăng trưởng nhanh, nhưng có yếu điểm là chưa đủ để chúng ta đạt được cam kết Net Zero vào 2050

Nhận định về tầm quan trọng của năng lượng gió, ông Mark Hutchinson khẳng định, điện gió ngoài khơi sẽ hỗ trợ sự phát triển của kinh tế - xã hội, tạo ra việc làm cho ngành điện gió ở Việt Nam. Đồng thời, nâng cao an ninh năng lượng và cán cân thương mại bằng việc giảm tỉ trọng nhập khẩu than và khí. Tuy nhiên, điện gió ngoài khơi cần có sự hỗ trợ nhất định trong thời điểm ban đầu, thông qua các cơ chế thúc đẩy, hoặc cơ chế ưu đãi cho điện gió ngoài khơi.
“Chúng tôi đề xuất Việt Nam nên có cơ chế giá phù hợp, mua sắm, đấu thầu điện hấp dẫn hơn. Quá trình cấp phép cũng cần diễn ra minh bạch, đồng bộ hóa. Đồng thời, cần phải có nguồn đầu tư tài chính quốc tế. Hay việc lập kế hoạch và nâng cấp lưới điện để hấp thu điện cũng rất quan trọng” - ông Mark Hutchinson cho hay.
Một báo cáo khác được ông Lê Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) chia sẻ là về năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi – nhìn từ thực tiễn PTSC và các kiến nghị, đề xuất. Đại diện PTSC thông tin, ngay trong đầu tháng 6/2023, Orsted (công ty năng lượng quốc gia Đan Mạch, nhà phát triển NLTT và điện gió ngoài khơi số 1 thế giới) đã tuyên bố giảm mục tiêu từ 30 GW xuống còn 28 GW điện gió ngoài khơi vào 2030, đồng thời rút khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, ông Mads Nipper - CEO Orsted cho biết: “Về khía cạnh đầu tư phát triển dự án, chúng tôi không tin rằng thị trường Việt Nam đủ hấp dẫn so với các thị trường khác, là một thị trường cung ứng dịch vụ thực sự quan trọng”.

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) chia sẻ tại hội thảo

Như vậy có thể thấy, nguồn lực cho điện gió ngoài khơi thực sự hữu hạn, không phải là vô tận, nên các nhà đầu tư luôn phải ưu tiên tập trung nguồn lực vào các khu vực tiềm năng. Việc chậm trễ trong cấp phép, triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đã bắt đầu dẫn đến những hệ quả tiêu cực. Các nhà đầu tư lớn trên thế giới đã bắt đầu mất kiên nhẫn và xem xét lại chính sách của họ, không ưu tiên thị trường Việt Nam nữa.
Và như vậy, Việt Nam sẽ mất rất nhiều, từ thu hút đầu tư nước ngoài đến việc đạt được các mục tiêu về phát thải ròng, tiếp tục thiếu điện cho sinh hoạt và sản xuất. Nhu cầu vốn cho điện gió ngoài khơi là rất lớn (khoảng 2,5-3 tỷ USD cho 1 GW) nên nếu không thu hút được FDI trong lĩnh vực này thì mục tiêu Net-Zero của Việt Nam sẽ rất khó có thể đạt được.
"Nhìn nhận về năng lực của PTSC, chúng tôi khẳng định có đủ khả năng, trang thiết bị, cơ sở vật chất, hệ thống, con người và kinh nghiệm tích lũy trong hàng chục năm qua. Vì vậy, PTSC có thể tham gia cung cấp dịch vụ cho tất cả các khâu của một dự án dầu khí. Và thực tế thì các dự án điện gió ngoài khơi cũng có các khâu tương tự. Điển hình như chúng tôi có thể cung cấp các dịch vụ khảo sát, dịch vụ vận chuyển, lắp đặt ngoài khơi các cấu kiện điện gió; các dịch vụ chế tạo và cung cấp các chân đế trụ điện gió ngoài khơi...  Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có sự ủng hộ của Chính phủ, sớm cấp phép cho PTSC tiến hành khảo sát cơ bản đối với điện gió ngoài khơi..." - ông Lê Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam bày tỏ.
Cũng tại sự kiện, ông Markus Bissel - Giám đốc dự án Chuyển dịch Năng lượng cho Việt Nam (TEV), GIZ đã trình bày báo cáo “Chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chuyển đổi năng lượng sạch - cơ hội và thành tựu tại EU, khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”.
Theo ông Markus Bissel, trước hết cần phải huy động được những nguồn lực sẵn có trong Việt Nam, đầu tiên là khuôn khổ pháp luật. Nhìn chung Việt Nam có khuôn khổ pháp luật khá toàn diện, tuy nhiên trong một số trường hợp, các quy định chính sách vẫn chưa đủ chi tiết, chưa đưa ra được các yêu cầu bao quát với các tổ chức.
Trong thời gian qua, dự án đã thực hiện khoảng 250 chương trình kiểm toán năng lượng khác nhau, kết quả cho thấy tiềm năng về nhân lực trong lĩnh vực này là rất lớn. Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế cũng có mặt ở Việt Nam thông qua nhiều dự án, tổ chức. "Từ những nguồn lực như vậy, chúng ta có thể phát triển các tiêu chí về bảo đảm chất lượng cao, thông qua học hỏi kinh nghiệm quốc tế, hoặc các tiêu chuẩn quốc tế có thể áp dụng tại Việt Nam." - ông Markus Bissel chia sẻ.

Ông Markus Bissel, Giám đốc dự án Chuyển dịch Năng lượng cho Việt Nam (TEV), GIZ đánh giá cao nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng Việt Nam

Đồng thời, cần phải điều chỉnh các tiêu chuẩn đánh giá. Ông Markus Bissel cho rằng, hiện nay những Sở Công Thương đang chịu trách nghiệm về đảm bảo tuân thủ quy định kiểm toán năng lượng của địa phương. Trong khi đó, Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố, nên rất khó có một mức độ chuẩn hóa chung. Do đó, nên có một tổ chức độc lập để có thể đánh giá chất lượng của các kiểm toán năng lượng. 
“Tiếp theo là cần phải đánh giá các kết quả đạt được. Từ kinh nghiệm châu Âu thì chúng tôi đo lường được mức độ tiết kiệm năng lượng hằng năm. Tuy nhiên ở Việt Nam có cơ chế giám sát tiết kiệm năng lượng 5 năm một lần, vì vậy chưa đủ chi tiết. Hơn nữa, chúng ta cần phải có những chương trình truyền thông nâng cao nhận thức một cách thường xuyên.” - ông Markus Bissel kết luận. 
Cũng tại hội thảo, các đại biểu còn lắng nghe báo cáo “Xu hướng ứng dụng Quản trị và Phân tích dữ liệu lớn đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số Ngành Năng lượng Việt Nam” do ông Nguyễn Thế Nghĩa - Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất thiết bị Viettel trình bày.
Theo đại diện Viettel, khả năng nội điện hóa các thiết bị điện gió của Việt Nam có tiềm năng lớn, từ đó sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển. Thứ hai là Việt Nam có đủ khả năng về năng lực chế tạo. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có khả năng tham gia vào các dự án điện gió ngoài khơi.

Trong hơn 10 năm qua, song song với viễn thông thì Viettel cũng có những thành tựu rất lớn về sản xuất công nghiệp công nghệ cao. Cụ thể là tập chung và cơ sở hạ tầng viễn thông, vũ khí trang bị cho quốc phòng, và có liên quan đến những thiết bị năng lượng, trong đó có thiết bị điện gió ngoài khơi

“Chúng tôi mới bắt đầu nghiên cứu về năng lượng tái tạo từ năm 2022 và lựa chọn hai mảng thiết bị là tua bin gió và hệ thống pin tích trữ năng lượng PSS. Về tua bin gió, chúng tôi đã bắt đầu chế tạo thử hệ thống nhỏ từ 1-5kw. Hiện tại thiết bị tua bin gió nhỏ đã có sản phẩm và bắt đầu thử nghiệm trên mạng lưới của Viettel. Về mảng lưu trữ năng lượng, Viettel sản xuất nhiều hệ thống khác nhau và mỗi hệ thống có một ưu nhược điểm khác nhau.” - ông Nguyễn Thế Nghĩa thông tin.
Về tích trữ năng lượng công suất lớn, Viettel đã bắt đầu ký hợp đồng chuẩn bị lắp đặt hệ thống công suất 100kw/h. Hướng đi sắp tới của Viettel khi tham gia vào điện gió ngoài khơi công suất lớn với vai trò là doanh nghiệp quốc phòng an ninh là có thể hỗ trợ doanh nghiệp vào kế hoạch tham gia khảo sát biển, sử dụng thế mạnh của mình để điều khiển dữ liệu, để tham gia vào thành phần rada, phần mềm điều khiển cho thành phần điện gió…
Cũng tại chương trình, bà Ngô Thúy Quỳnh – Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho rằng, lĩnh vực khoa học công đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng.

Bà Ngô Thúy Quỳnh – Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương)

Ngoài những công nghệ đã được đề cập trong quy hoạch điện VIII, nhận thấy sự chuyển đổi năng lượng rất mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi hay điện mặt trời,… thì phía Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh các công nghệ khác phục vụ cho các lĩnh vực khác như giao thông vận tải, nông nghiệp, công nghiệp...
Bên cạnh đó, phía Vụ Dầu khí và Than cũng được giao nhiệm vụ chiến lược sản xuất năng lượng halogen tại Việt Nam và phải hoàn thành trong năm 2024. "Đó cũng là những tiền đề chúng tôi thấy là khoa học công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định thành công của quy hoạch tổng thể về năng lượng cũng như Quy hoạch điện VIII" - bà Ngô Thúy Quỳnh khẳng định.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu bế mạc hội thảo

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định những đóng góp của các đại biểu về cơ chế chính sách, khoa học công nghệ cũng như những kinh nghiệm của đại diện quốc tế, các nhà khoa học, các nhà quản lý, doanh nghiệp là vô cùng hữu ích. Những ý kiến này sẽ góp phần hiện thực hóa Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 28/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo khcncongthuong.vn