close

PTSC nắm bắt cơ hội "vàng'

“Chúng tôi tin rằng Petrovietnam, PTSC sẽ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực năng lượng mới cũng như trong chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo ngoài khơi toàn cầu” - Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Lê Mạnh Cường khẳng định. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), với hơn 3.200 km bờ biển và tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng gió ngoài khơi (NLGNK) lớn nhất khu vực Đông Nam Á, lên tới 475 GW. Phát triển NLGNK, Việt Nam có thể kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội, an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, công nghiệp hóa với phát thải carbon thấp hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

PTSC thực hiện công tác lắp đặt cáp ngầm cho Dự án điện gió Tân Thuận

Hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có lợi thế về kinh nghiệm và nguồn lực trong thiết kế, chế tạo, vận hành các công trình biển để tham gia vào chuỗi cung ứng và phát triển các dự án NLGNK và sản xuất hydro. Với các mối quan hệ hợp tác quốc tế, mở rộng đầu tư cùng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật công nghệ và quản lý, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao, Petrovietnam có nhiều cơ hội tiếp cận các công nghệ mới, hiện đại, hợp tác đầu tư với các tập đoàn dầu khí, các đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực NLGNK, làm tiền đề phát triển năng lượng hydro trong tương lai.

PTSC là doanh nghiệp hàng đầu của Petrovietnam trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Sau 30 năm thành lập, PTSC đã làm chủ, trực tiếp thực hiện gần như toàn bộ các công đoạn của ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi, từ khảo sát, thiết kế, chế tạo, đấu nối, chạy thử, lắp đặt đến vận hành, bảo dưỡng các công trình dầu khí, cùng với dịch vụ cung cấp và vận hành các kho nổi chứa, xuất dầu thô... cho thị trường trong nước và quốc tế. Có thể nói, PTSC đang đứng trước cơ hội “vàng” tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực NLGNK. Hiện tại, PTSC cũng là doanh nghiệp duy nhất của Petrovietnam đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và năng lực triển khai đầu tư và phát triển các dự án NLGNK.

Tổng giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cùng đoàn công tác Petrovietnam khảo sát Dự án Hywind Tampen tại Gulen, Na Uy

Với năng lực, cơ sở vật chất và kinh nghiệm sẵn có, PTSC được rất nhiều đối tác trên thế giới đánh giá cao. Cần nhấn mạnh thêm rằng, bên cạnh căn cứ cảng chế tạo gần 200 ha, 1km cầu cảng với mực nước sâu đủ cho các phương tiện phục vụ dự án NLGNK hoạt động tại Vũng Tàu, PTSC đang vận hành khai thác có hiệu quả các cụm cảng khác trên khắp cả nước, trong đó có khu cảng dịch vụ tổng hợp ở Nghi Sơn (Thanh Hóa). Đây đều là những căn cứ cảng có vị trí đắc địa, có nhiều lợi thế để phát triển dịch vụ cho ngành công nghiệp NLGNK.

Để nắm bắt cơ hội “vàng”, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho ngành NLGNK, Tổng giám đốc PTSC cho biết, PTSC đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn đầu tư lớn vào các khu căn cứ cảng, cùng với những đối tác khác của PTSC trong ngành Dầu khí. Song, do chưa có hành lang pháp lý cụ thể nên PTSC chưa thể tiến hành đầu tư. Hiện tại, PTSC đang nỗ lực bước vào lĩnh vực NLGNK thông qua các hợp đồng cung cấp dịch vụ, như khảo sát ngoài khơi cho các nhà thầu NLGNK, vận chuyển, lắp đặt tháp, turbine gió, rải cáp ngầm, cung cấp tàu dịch vụ... cho các dự án điện gió ở Bến Tre, Trà Vinh, Bình Thuận... Đặc biệt, PTSC đang chế tạo 2 trạm biến áp cho dự án điện gió ngoài khơi cho khách hàng tại Đài Loan và đang đấu thầu, đàm phán hợp đồng các dự án NLGNK khác với các khách hàng quốc tế với giá trị hợp đồng lên tới hàng trăm triệu USD. Tương lai phía trước đang rộng mở với PTSC.

“Trước khi làm bất cứ dự án nào, chúng ta cũng cần một hành lang pháp lý rõ ràng, có các chủ trương, định hướng, quy định, văn bản quy phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau, để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng có thể triển khai công việc thuận lợi. Khó khăn lớn nhất bây giờ là phải xây dựng được hành lang pháp lý cụ thể cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, cung ứng dịch vụ... cho lĩnh vực NLGNK. Tuy nhiên, chúng ta không thể mãi ngồi chờ khi thời gian triển khai một dự án NLGNK thường kéo dài 5-7 năm. Tôi cho rằng, trong thời gian hoàn thiện các cơ sở pháp lý, Chính phủ nên giao cho các tập đoàn kinh tế nhà nước có năng lực, kinh nghiệm, triển khai một số dự án NLGNK” - ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC nhận định - “Đối với việc hình thành chuỗi cung ứng, nếu chúng ta là người đi đầu thiết lập hạ tầng để phục vụ cho ngành NLGNK thì sẽ có nhiều cơ hội, chiếm lợi thế và trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ NLGNK cho khu vực và thế giới, đồng thời hỗ trợ rất lớn cho việc hiện thực hóa các mục tiêu đầu tư và phát triển các dự án NLGNK tại Việt Nam”.

Có thể khẳng định, NLGNK, năng lượng hydro sẽ là nguồn năng lượng sạch đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu và là giải pháp không thể thiếu trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Một quốc gia muốn chuyển dịch năng lượng thành công thì một tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh như Petrovietnam phải chuyển dịch năng lượng thành công, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Với vai trò tập đoàn kinh tế, năng lượng hàng đầu của đất nước, Petrovietnam phải là doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt ngành công nghiệp năng lượng tái tạo”. Các đơn vị thành viên của Petrovietnam, trong đó có PTSC, phải quyết liệt thực hiện chuyển dịch năng lượng và tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu.

Chính vì vậy, Petrovietnam nói chung và PTSC nói riêng rất cần được “khoác một tấm áo mới”, có một hành lang pháp lý đủ “rộng”, đủ “thoáng” để có thể chủ động xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển NLGNK và năng lượng hydro, cũng như đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án NLGNK thử nghiệm, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước làm chủ công nghệ, có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới, nắm bắt tốt các cơ hội “vàng” trong lĩnh vực năng lượng mới.

Hiện tại, PTSC đang cung cấp các dịch vụ khảo sát ngoài khơi cho các nhà thầu NLGNK; vận chuyển, lắp đặt tháp, turbine gió, rải cáp ngầm, cung cấp tàu dịch vụ... cho các dự án điện gió ở Bến Tre, Trà Vinh, Bình Thuận. PTSC đang chế tạo 2 trạm biến áp cho dự án điện gió ngoài khơi tại Đài Loan...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Với vai trò tập đoàn kinh tế,năng lượng hàng đầu của đất nước, Petrovietnam phải là doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt ngành công nghiệp năng lượng tái tạo”.

Theo petrotimes