close

Việt Nam cần có Trung tâm công nghệ cao nghiên cứu điện gió ngoài khơi

Theo chuyên gia, Trung tâm công nghệ cao nghiên cứu điện gió ngoài khơi (ĐGNK) có thể thúc đẩy các hành động hiệu quả, đổi mới sáng tạo, đồng thời hoạt động như một nền tảng chia sẻ kiến thức và hợp tác giữa các bên liên quan trong lĩnh vực ĐGNK.
Tại hội thảo về Trung tâm công nghệ cao về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam diễn ra chiều 22/3, đã đưa vấn đề cần thiết hình thành một trung tâm nghiên cứu điện gió ngoài khơi (Centre of Excellent - CoE) của Việt Nam hoặc những dạng mô hình hợp tác liên ngành, liên chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình nghiên cứu tại địa phương và sự phát triển lâu dài của lĩnh vực điện gió ngoài khơi (ĐGNK) ở Việt Nam.
Hoạt động này phù hợp với những mục tiêu của Chương trình Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng tại Việt Nam (V-JETP). Hội thảo do Nhóm đối tác bao gồm Carbon Trust, Viện Năng lượng và Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) tổ chức.

CoE thúc đẩy phát triển ĐGNK tại Việt Nam

CoE là một thuật ngữ chung được sử dụng để mô tả một tổ chức, cơ sở hoặc bộ phận được công nhận là cơ quan hàng đầu trong một lĩnh vực hoặc chuyên môn cụ thể. Trên thực tế, CoE có thể mang nhiều hình thức khác nhau, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau và phục vụ nhiều mục đích khác nhau nhằm hỗ trợ sự phát triển tổng thể của ĐGNK ở Việt Nam.
CoE được kỳ vọng có thể thúc đẩy các hành động hiệu quả, đổi mới sáng tạo, đồng thời hoạt động như một nền tảng để chia sẻ kiến thức và hợp tác giữa các bên liên quan trong lĩnh vực ĐGNK.

Hội thảo về Trung tâm công nghệ cao về điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, ngày 22/3/2023

Đại diện Carbon Trust, ông Ivan Savitsky, Quản lý Chương trình ĐGNK cho biết, CoE hoặc những mô hình tương tự đã được hình thành ở nhiều quốc gia để giúp các thị trường ĐGNK trên thế giới phát triển. Theo ông Savitsky, một trong những mục tiêu phát triển một CoE là giảm chi phí của các công nghệ về ĐGNK. Điều này là cần thiết để hỗ trợ niềm tin của các nhà hoạch định chính sách trong khuôn khổ phát triển đối với lĩnh vực này.
Tại Anh, Mainstream - thành viên sáng lập của nhóm Thúc đẩy ĐGNK (Offshore Wind Accelerator - OWA) được hình thành vào năm 2012. OWA là một ý tưởng của chính phủ Vương quốc Anh, tập hợp những người có kinh nghiệm về ĐGNK, các nhà phát triển để chia sẻ các ý tưởng nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả của ĐGNK và giảm chi phí.
Năm 2012, Chính phủ Vương quốc Anh đề ra mức giá mục tiêu là 140 bảng Anh/MWh (xấp xỉ 180 USD/MWh) và OWA đã góp phần đưa chi phí ĐGNK ở Vương quốc Anh xuống 60 bảng Anh/MWhr.
Nhận diện các vấn đề cấp bách và liên quan đối với một CoE ở Việt Nam, ông Savitsky cho rằng, nhiều vấn đề cần tập trung nghiên cứu những giải pháp trong bối cảnh hiện nay như điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật, thông lệ tốt nhất, tăng cường hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển, hỗ trợ lao động lành nghề, tắc nghẽn lưới điện cũng như phát triển chuỗi cung ứng nội địa mạnh...

Cần thiết xây dựng chuỗi cung ứng nội địa
Phát biểu tại hội thảo, đại diện Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) nhận định, để đảm bảo xây dựng thành công ngành ĐGNK tại Việt Nam, bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, cho phép triển khai dự án thí điểm, thì việc xây dựng chuỗi cung ứng nội địa ý nghĩa hết sức quan trọng.
“Là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao cho ngành dầu khí ngoài khơi với sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, PTSC đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực từ con người đến cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ triển khai các dự án ĐGNK quy mô lớn, bao gồm các dịch vụ như khảo sát địa chất, thủy văn, lắp đặt vận hành FliDAR; thiết kế, mua sắm, thi công chế tạo và lắp đặt (EPCI) các trụ tua-bin ĐGNK, các trạm biến áp ngoài khơi (OSS); mua sắm, thi công rải cáp ngầm; cung cấp, vận hành tàu dịch vụ (CTV và OSV); cung cấp chuyên gia kỹ thuật; cung cấp dịch vụ quản lý, vận hành (O&M) cho các trang trại ĐGNK; tháo dỡ, di dời các trụ điện gió vào cuối dự án.
Hiện tại PTSC đã trúng thầu và đang triển khai các dự án chế tạo và cung cấp chân đế trụ tua-bin ĐGNK và các trạm biến áp ngoài khơi cho các dự án ĐGNK quy mô lớn tại Đài Loan”, đại diện PTSC chia sẻ.

PTSC đã lắp đặt cáp ngầm cho dự án điện gió Tân Thuận

Trong đó, nhu cầu nội địa hoá cung cấp dịch vụ quản lý, vận hành là rất quan trọng đối với sự phát triển của năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Ông Phan Thanh Tùng, Giám đốc Phát triển dự án Công ty Cổ phần Xây dựng công trình IPC chia sẻ thêm: “Cần có một lộ trình rõ ràng về yêu cầu tỷ lệ nội địa hoá và một kế hoạch dài hạn cho phát triển ngành năng lượng tái tạo để hỗ trợ cho sự phát triển của ngành cũng như các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Vấn đề này đặt ra yêu cầu về chuyển giao công nghệ từ các nhà sản xuất thiết bị tuabin và tăng cường hợp tác quốc tế về khả năng kỹ thuật và năng lực nhân sự. Qua đó, tích hợp chuyên môn, nhân sự nội địa vào các hoạt động bảo trì và vận hành hàng ngày cho các dự án điện gió trên đất bờ và ngoài khơi có thể tăng cường hiệu suất của trang trại điện gió, giảm thiểu các rủi ro về thời gian ngưng trệ và sự cố, và giảm chi phí liên quan như biến động chi phí lao động và vật liệu”.
Các quan điểm này về nội địa hoá công đoạn hoạt động bảo trì và vận hành điện gió trên bờ và ngoài khơi có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo của mình trong khi thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương và bền vững, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo mekongasean.vn